Ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN cho biết: Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, người nông dân cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu về thành tựu, kết quả nổi bật, các tồn tại khó khăn, điểm nghẽn của thị trường công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tốc độ thương mại hóa công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng chuyển giao cá tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Cũng theo ông Tuấn thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là chiếu xạ thực phẩm và công nghệ đột biến phóng xạ. IAEA đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ 8 trên thế giới về chiếu xạ đột biến, với nhiều giống lúa, đậu tương chủ lực là giống đột biến. Tuy vậy, thời gian tới cần nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa các nhà khoa học; nhà quản lý của Bộ KH&CN; Bộ NN&PTN; các địa phương; doanh nghiệp; chuyên gia trong và ngoài nước trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như quản lý đất, nước, sức khỏe, sinh sản vật nuôi.
Cơ hội tiếp cận sản phẩm nông nghiệp công nghệ thời đại 4.0 |
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với sự đột phá trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tại các nước phát triển, thành tựu đạt được thông qua công nghiệp 4.0 mang lại giá trị to lớn cho ngành nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sức cạnh tranh sản phẩm, giải phóng đáng kể lao động truyền thống của người nông dân.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nếu không thay đổi mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm sản xuất, kinh doanh... Sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Bà Bùi Thị Huy Hợp – Tư vấn viên chiến lược Công ty Cổ phần thương mại Bitdeal Việt Nam cho biết: trong bối cảnh xu hướng nền công nghiệp 4.0 cần thay đổi phương thức mua bán, kết nối dịch vụ truyền thống sang mua bán và kết nối dịch vụ online bởi xu hướng tiêu dùng tại thế giới và Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ với việc sử dụng wifi, smartphonel, các thiết bị thông minh. Hiện nay, mô hình kinh tế chia sẻ với các hình thức thanh toán điện tử như sử dụng Blockchain, chạy trên nền tảng điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng giúp tiết kiệm chi phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ mỗi ngày, tiết kiệm thời gian tìm kiếm các doanh nghiệp uy tín cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng, tận hưởng sự tiện ích của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Ngoài ra tại hội thảo các đại biểu đã được nghe các chuyên gia phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm về lựa chọn công nghệ phù hợp, định hướng thương mại hóa công nghệ phục vụ nông nghiệp, cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ người nông dân tiếp cận công nghệ cùng với các bài tham luận về: giới thiệu về hoạt chất thiên nhiên; nghiên cứu chế tạo, sử dụng và thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Emic….
Huy An