Môi trường

Tìm hướng đi cho rác thải cồng kềnh

Việt Hải - Hoàng Hiền 11/04/2024 08:43

Bãi đất trống, bờ sông, gầm cầu, lề đường, vỉa hè, thậm chí ngay trước cửa nhà dân, thi thoảng lại "mọc" ra các loại rác thể tích lớn (giường, tủ, ghế sofa, nệm, cánh cửa,...).

cover(1).jpg

Bãi đất trống, bờ sông, gầm cầu, lề đường, vỉa hè, thậm chí ngay trước cửa nhà dân, thi thoảng lại "mọc" ra các loại rác thể tích lớn (giường, tủ, ghế sofa, nệm, cánh cửa,...).

Trong khi công tác quản lý, xử lý rác cồng kềnh ở các địa phương vẫn chưa đồng bộ, chi tiết, rõ ràng.

Thực trạng rác cồng kềnh đã và đang trở thành gánh nặng cho môi trường, gây lãng phí tài nguyên, làm chậm quá trình tái chế, tuần hoàn rác.

ki1(3).jpg

Không chỉ vỉa hè, gầm cầu, vệ đường... chỗ nào "tiện" là có sự xuất hiện của rác thải, có trường hợp, người dân còn lợi dụng đêm tối, xả rác thải cồng kềnh "đặc biệt" xuống... sông. Và như thế, rác cồng kềnh vô tư án ngữ khắp nơi.

sub1(2).jpg

Xã hội càng phát triển, nhu cầu mua sắm nội thất bàn ghế, giường tủ, đệm... càng tăng, không chỉ mua theo nhu cầu thiếu mà còn mua vì thay đổi thị hiếu, sở thích. Đồng nghĩa với việc nếu các món đồ cũ không tái sử dụng sẽ trở thành đồ thải bỏ. Rác cồng kềnh vì thế ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Càng với các đô thị lớn, mức thu nhập cao như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh,... nhu cầu xả rác thải cồng kềnh càng lớn.

Dạo một vòng theo gầm đường Vành đai 3 trên cao chạy song song đường Phạm Hùng (Hà Nội), ven sông, hay tại các bãi đất trống, không khó bắt gặp những bộ bàn ghế cũ, tủ, giường, nệm, gốc cây, cành cây to, được người dân mang đến bỏ lại. Việc bỏ rác thường diễn ra vào đêm tối, sáng sớm hoặc buổi trưa, thời điểm vắng người. Mặt khác, những vị trí này thường không nằm trong tầm thường xuyên chú ý của chính quyền địa phương nên việc xả rác ít khi bị nhắc nhở. Nhiều nơi đã mặc nhiên trở thành điểm tập kết rác cồng kềnh.

1c.jpg
Một điểm tập kết rác cồng kềnh trên đường Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trong phố, tình trạng xả rác cồng kềnh cũng không kém phần. Đơn cử như khu vực đường Ngọc Hà (quận Ba Đình). Chị Nguyễn Thị An - công nhân môi trường đô thị Urenco Chi nhánh Ba Đình cho biết, khu vực này một bên là nhà dân, một bên là tường bao phía sau Bộ NN&PTNT không có dân nên là nơi thuận lợi để người dân tập trung vứt rác thải cồng kềnh. Cứ thu gom vài ngày lại có rác thải ra, thu được chỗ này thì chỗ kia người dân lại xả rác. Thường việc xả rác diễn ra vào lúc công nhân không thực hiện thu gom nên không biết ai mà nhắc nhở. Thậm chí, "có hôm họ bỏ chiếc đệm to ngay trước mặt mình, cứ như việc dọn rác to như thế này là việc của công nhân", chị An cho biết.

Ngoài phố Ngọc Hà (quận Ba Đình), các tuyến đường Bưởi, đường ven sông Tô Lịch dưới chân đường Vành đai 2 (quận Cầu Giấy) và hàng loạt các điểm tập kết khác như: Vỉa hè phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), gầm cầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), đường Yên Phụ (quận Tây Hồ), khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai)... đang góp phần không nhỏ tạo điểm xấu cho bức tranh đô thị nhếch nhác.

sub2(1).jpg

Nhưng, Hà Nội chỉ là một trong số các địa phương chịu vấn nạn rác cồng kềnh. Bởi như trên đã nói, rác cồng kềnh có mặt ở khắp nơi. Ở đâu có nhu cầu thải bỏ là ở đó rác cồng kềnh xuất hiện với quan niệm: Dọn rác là việc của công nhân môi trường.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP. HCM, rác cồng kềnh, rác thải xây dựng chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt; đồng nghĩa mỗi ngày TP.HCM thải ra 10.000 tấn rác thì có khoảng 2.000 tấn rác cồng kềnh.

a1(1).jpg
<1> Những tấm pallet gỗ chất đống bên vệ đường ngày qua ngày trên đường Trần Kim Xuyến (Cầu Giấy, Hà Nội)
<2> B1 Rác thải cồng kềnh trên đường Trần Kim Xuyến (Cầu Giấy, Hà Nội)
<3> Rác thải cồng kềnh bị vứt chung với rác thải sinh hoạt ngay tại nơi có biển cấm

Ông Nguyễn Văn Sáu - một người dân sống ở đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12 cho biết, vỉa hè gần nơi ông ở thi thoảng lại xuất hiện các loại rác quá khổ. Chỉ tay vào tấm đệm cũ vứt dưới gốc cây, ông nói: "Họ bỏ nó hồi đêm nên đâu có thấy mà nhắc nhở. Sáng sớm tui đi tập thể dục đã thấy nằm ở đó rồi. Mấy hôm trước tui bỏ một cái ghế sofa cũ cũng phải thuê người thu gom rác tự do đem đi giùm, chứ bỏ thế này không có được chút nào". Sát chân cầu số 6 ở đường Hoàng Sa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, nơi đặt thùng rác công cộng cũng xuất hiện một đống rác to gồm nệm cũ và một bao quần áo cũ... Xa lộ Hà Nội đoạn gần chân cầu Sài Gòn hướng từ TP. Thủ Đức về quận 1; ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và nhiều tụ điểm khác đã trở thành địa điểm người dân vứt bỏ ghế sofa, bàn ghế cũ, ván gỗ, tấm kính nứt...

Chung tình trạng với Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác cũng đang đau đầu với rác thải cồng kềnh, nhất là dịp Tết, khi nhu cầu mua mới, thay nội thất cũ để đón Tết tăng cao; hay nhiều gia đình vứt bỏ các gốc đào, chậu quất lớn, cành đào rừng quá khổ... Và cứ thế, rác thải cồng kềnh cứ mặc nhiên được thải ra môi trường, bất kể thành phố hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi.

**********

bai2(2).jpg

Công tác quản lý, xử lý rác cồng kềnh ở các địa phương đang có sự khác nhau. Một số địa phương đã ban hành quy định quản lý riêng, một số địa phương đang triển khai mô hình thu gom hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa có quy định phân loại, xử lý rác nói chung, rác cồng kềnh nói riêng.

dd.jpg

Hiện nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng, ban hành văn bản quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Hướng dẫn Phân loại rác tại nguồn của Bộ TN&MT, trong đó có dành các khoản, mục quy định chi tiết đối với rác cồng kềnh. Cơ bản về khái niệm, chủng loại, cách phân loại tuân thủ theo Luật và Hướng dẫn. Tuy nhiên, quy định của mỗi địa phương vẫn có những điểm khác nhau, rõ nét nhất là phương thức thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý và bố trí ngân sách.

Tại Thái Nguyên, đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh sau khi được tháo rã vẫn có kích thước lớn, hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển đến địa điểm tập kết, trạm trung chuyển do UBND cấp xã quy định hoặc tự thỏa thuận chi phí với đơn vị thu gom, vận chuyển để cung cấp dịch vụ thu gom tại nguồn. Hộ gia đình, cá nhân là chủ nguồn thải phải trả phí thu gom, vận chuyển theo thỏa thuận. Cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh được thanh toán giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hợp đồng đã ký kết. UBND huyện được lựa chọn hình thức thu giá trên địa bàn địa phương áp dụng đối với chủ nguồn thải thông qua thể tích thiết bị; xác định khối lượng hoặc các hình thức phù hợp...

Tại Đồng Nai, chủ nguồn thải phải liên hệ với tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn để thỏa thuận chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển theo quy định hoặc bố trí nơi lưu giữ và thỏa thuận chuyển giao trong thời gian diễn ra "Tuần lễ Đồng Nai xanh" hoặc các chương trình, sự kiện có hoạt động thu đổi chất thải do Sở TN&MT và UBND cấp huyện tổ chức.

Riêng với Khánh Hòa, cùng với ban hành "Quy định phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh", các đơn vị chức năng đã niêm yết công khai số điện thoại, giá, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh để người dân biết, liên hệ khi có nhu cầu chuyển giao.

Còn với Sóc Trăng, địa phương cũng đã xây dựng quy định riêng về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh. Tuy nhiên, Sóc Trăng không giao huyện xây dựng đơn giá mà chủ nguồn thải có trách nhiệm tự thỏa thuận giá dịch vụ với cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh.

racthai.jpg

Từ tháng 9/2020, UBND TP.HCM đã giao cho các công ty dịch vụ công ích quận, huyện xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ ̉thu gom vận chuyển chất thai rắn cồng kềnh; xây dựng đơn giá và xử lý sau thu gom.

Để người dân tiếp cận được dịch vụ dễ dàng, thuận lợi, các đơn vị liên quan có trách nhiệm công bố cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom.

2d.png
2e.png
Cán bộ P.2, Q.Phú Nhuận đến tận nhà thu gom rác cồng kềnh chở đến địa điểm tập kết giúp người dân

Theo đó, rác cồng kềnh được xử lý như rác thải sinh hoạt, người dân phải trả phí dịch vụ tháo rời, thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Là một trong số ít địa phương chủ động trong việc hướng dẫn, tạo thói quen cho người dân xử lý rác cồng kềnh, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận cho biết, hiện địa phương đang tổ chức chương trình "Mang rác ra phường" nhằm tạo cho người dân có ý thức, thói quen trong việc bỏ rác cồng kềnh đúng nơi quy định.

Cụ thể, 15 điểm tiếp nhận rác cồng kềnh tại 13 phường được UBND các phường thông báo rộng rãi đến người dân, tiếp nhận rác vào ngày thứ Bảy tuần thứ 2 mỗi tháng, hoàn toàn miễn phí. Người dân có thể tra cứu thông tin điểm tiếp nhận rác trên internet. Dự kiến khi đạt được mức thỏa thuận chung, TP.HCM sẽ triển khai thu giá đồng loạt trên toàn thành phố đối với chủ thải rác cồng kềnh.

tthn.jpg

Là đô thị có lượng rác thải sinh hoạt lớn, rác cồng kềnh chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều địa phương, tuy nhiên đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh nên các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý vì không được thanh toán chi phí vận chuyển.

2b(1).png
Công nhân Công ty Urenco thu gom rác trên địa bàn Hà Nội.

Trên thực tế, các đơn vị thu gom trực thuộc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) vẫn bố trí khu vực để người dân bỏ rác thải cồng kềnh nhưng số lượng người dân bỏ rác đúng nơi rất ít mà đa phần tiện đâu bỏ đấy. Bên cạnh đó, trong hợp đồng đấu thầu duy trì thu gom rác thải sinh hoạt, không có nội dung về kinh phí xử lý chất thải rắn cồng kềnh. Trong khi đó, Công ty vẫn đang phải mặc nhiên xử lý.

Hiện các đơn vị thuộc Urenco đang thực hiện xử lý chất thải rắn cồng kềnh theo 2 phương thức. Thứ nhất là sử dụng xe tải nhỏ thu gom, vận chuyển về điểm tập kết, sau đó phá dỡ, giảm thể tích, đưa lên xe cuốn ép và vận chuyển đi xử lý. Cách thứ hai là sử dụng xe cuốn ép thu gom rác thải sinh hoạt theo tuyến, quá trình thu gom nếu có chất thải rắn cồng kềnh, công nhân thực hiện phá dỡ, giảm thể tích sơ bộ và đưa lên xe cuốn ép, vận chuyển đi xử lý.

Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chỉ còn chưa đầy 9 tháng sẽ áp dụng phân loại rác bắt buộc trên toàn quốc. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai hoàn thiện Quy định phân loại rác, trong đó có quy định chi tiết về phân loại rác cồng kềnh, tuy nhiên, mới làm điểm tại quận Hoàn Kiếm. Hiện thành phố đang khảo sát thêm ở các địa phương khác để Quy định thực sự khả thi, phù hợp.

**********

b2(1).jpg

Theo Hướng dẫn của Bộ TN&MT, rác cồng kềnh cơ bản bao gồm các loại vật dụng gia đình thải bỏ có kích thước lớn như giường, tủ, ghế sofa, nệm, bàn ghế, cánh cửa, hoặc các vật dụng khác như gốc cây, thân cây lớn... Các loại rác này hầu như đều trong danh mục có thể tái chế.

Thông tin từ các nhân viên kỹ thuật Công ty Thiết kế xây dựng TOONG tại TP.HCM cho biết, gỗ từ các nguồn tái chế sau khi phân loại, kiểm tra và loại bỏ chất gây ô nhiễm, cắt, tách và nghiền, xử lý và khử trùng, chế biến và sản xuất... sẽ cho ra đời bột gỗ - nguyên liệu đầu vào được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gỗ mới như đồ nội thất, ván ép, sàn nhà, vật liệu xây dựng, giấy và nhiều ứng dụng khác. Ưu điểm của bột gỗ từ tái chế so với bột gỗ từ nguyên liệu thô, tươi, đó là bột gỗ tái chế có độ ẩm thấp hơn, tính năng sử dụng bền hơn do đã qua nhiều khâu xử lý hơn, giá thành nguyên liệu rẻ hơn nhiều so với nguyên liệu gỗ thô.

3b.png
B3 PGS. TS. Nguyễn Vũ Giang tại dây chuyền sản xuất vật liệu composite nhựa gỗ ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhựa Gỗ Châu Âu

Theo PGS. TS. Nguyễn Vũ Giang - Viện kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cái tên gỗ nhựa

composite (WPC) - một dạng vật liệu tổng hợp được làm từ bột gỗ, nhựa và phụ gia vừa có khả năng chịu lực của gỗ tự nhiên, vừa có sự bền dẻo của nhựa - có vẻ xa lạ với người dùng Việt Nam nhưng thực ra, nó đã trở thành nguyên liệu chính cho rất nhiều vật dụng như đồ nội thất, ván sàn, lan can, gỗ trang trí, tấm chắn, ghế công viên, khung bao cửa và cửa sổ... Sản phẩm có độ bền cao cho ngành vật liệu kiến trúc, có ưu điểm linh hoạt, chi phí thấp hơn so với gỗ tự nhiên mà lại tốn ít chi phí bảo trì hơn, đồng thời, tận dụng được những phụ phẩm ngành gỗ, gỗ tái chế hoặc gỗ chất lượng thấp.

Mở rộng ở góc độ môi trường, cũng theo PGS. TS. Nguyễn Vũ Giang, bột gỗ còn đóng vai trò là thành phần xúc tác sản xuất các loại bao bì nhựa, túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện môi trường, và có thể, sẽ là hướng đi trong tương lai để giảm thiểu rác thải nhựa.

Tương tự với rác cồng kềnh là tủ sắt hoặc kim loại đều cho giá trị tái chế cao (hơn 90%). Những loại rác cồng kềnh chất liệu thủy tinh tưởng chừng không nằm trong danh mục tái chế nhưng đây lại là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, bê tông và một số vật liệu xây dựng trong điều kiện khan hiếm nguồn vật liệu thô. Đặc biệt, tiết lộ từ Công ty nệm Tân Phú, khoảng 90% các bộ phận của nệm (theo trọng lượng) có thể được tái chế hoặc thay thế để tạo ra các sản phẩm mới, đây là lý do Công ty thường xuyên khuyến khích người tiêu dùng mang đệm thải bỏ tới các cơ sở tái chế hoặc sử dụng các giải pháp tái sử dụng thông minh để tránh lãng phí tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Những căn cứ mang tính khoa học trên đây là cơ sở khẳng định: Không tái chế rác cồng kềnh đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn.

3bbbb.jpg
<1> PGS. TS. Nguyễn Vũ Giang tại dây chuyền sản xuất vật liệu composite nhựa gỗ ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhựa Gỗ Châu Âu
<2> Sợi thủy tinh cắt ngắn là vật liệu lý tưởng mới cho vữa và bê tông chống nứt kỹ thuật, chống thấm, chống mài mòn và giữ nhiệt

Như Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Chỉ tính riêng 5 quận do Công ty Urenco phụ trách, lượng rác cồng kềnh chiếm khoảng 25 - 30 tấn/ngày, tương đương mỗi quận 5 - 6 tấn/ngày (ước bình quân 2 - 3 tấn/ngày/đơn vị quận, huyện trên cả nước). Nếu nhân 705 đơn vị quận huyện trên cả nước với bình quân 2 - 3 tấn/quận, huyện sẽ cho ra con số 1.410 - 2.115 tấn rác thải cồng kềnh/ngày. Trong số đó, khoảng 80% - 90% có thể tái chế. Tuy nhiên, trên thực tế, con số đưa vào thuần tái chế chỉ chiếm khoảng 10%. Số còn lại được cuốn ép, đưa ra các bãi chôn lấp hoặc đốt.

Ở góc nhìn kinh tế - xã hội, có thể thấy, đối với cộng đồng dân cư, Nhà nước, phương pháp chôn lấp không thúc đẩy được công tác phân loại, tái chế rác thải, gây lãng phí tài nguyên, tạo áp lực lên diện tích đất dành cho chôn lấp, là nguyên nhân gián tiếp gây ra lãng phí nguồn lực đất đai.

Đối với đơn vị thu gom, việc sử dụng xe cuốn ép để thu gom, vận chuyển là không phù hợp với loại hình chất thải có độ cứng cao, gây hỏng hóc, cong vênh bàn ép của xe chuyên dùng ép rác sinh hoạt dẫn đến phát sinh chi phí sửa chữa xe - máy, thiết bị. Đồng thời, không có đơn giá để áp dụng trong thu gom, vận chuyển, xử lý nhưng thực tế các đơn vị môi trường trên địa bàn cả nước và Hà Nội nói chung, Công ty Urenco nói riêng vẫn đang triển khai khối lượng công việc này nhưng không được nghiệm thu, thanh quyết toán, điều này khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí vận hành trong công tác thu gom, vận chuyển và thiệt thòi cho công nhân môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, rác thải tại Việt Nam đang là "mỏ vàng" nhưng chúng ta đang hờ hững trước mỏ vàng ấy, và rác thải cồng kềnh cũng không ngoại lệ. Không chỉ các nước phát triển mà các quốc gia trong khu vực cũng đang tận dụng rất hiệu quả lĩnh vực này. Theo ông Việt Anh, "nếu chúng ta không khai thác, tức là chúng ta đang đánh mất cơ hội cầm vàng trong tay".

z5340074793682_4e615f08ef6d3fd0d3e4fc1c6ba727d6.jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đi cho rác thải cồng kềnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO