Tìm giải pháp xã hội bảo tồn hòn Trống Mái
(TN&MT) - Được hình thành từ các thành tạo đá vôi có tuổi hàng trăm triệu năm trước, hòn Trống Mái ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang có nguy cơ bị đổ lở, xói lở. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”.
Theo nghiên cứu, hòn Trống Mái nằm trong khu vực Vịnh Hạ Long, cách xa khu vực đất liền nên các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến việc xói mòn chân đảo chủ yếu là việc qua lại của các tàu thuyền du lịch trên Vịnh. Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản xác định 2 yếu tố xã hội chính tác động lên sự ổn định của hòn Trống Mái là: hoạt động dân sinh và hoạt động du lịch.
Hoạt động dân sinh tác động đến Vịnh Hạ Long, trong đó có hòn Trống Mái
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2012, trên Vịnh Hạ Long có 7 làng chài với trên 614 nhà bè, trong đó tập trung nhiều nhất ở phường Hùng Thắng gồm các làng chài: Cửa Vạn, Ba Hang, Cặp Dè và Vông Viêng. Với nhiều nhà bè nuôi trồng hải sản, giao dịch, kinh doanh nhà hàng, nên lượng tàu và khách ra vào khu vực nhiều đã tác động đến hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa, gây cản trở luồng tàu chạy trên biển, ô nhiễm môi trường nước; người dân, nhất là trẻ em khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục… gây áp lực cho công tác bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long.
Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng tai biến địa chất (trượt lở, đổ lở đá) do xung quanh khu vực người dân sinh sống hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ bị phá hủy nhiều, các sườn đá tự nhiên sẽ bị tác động do người dân neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, việc một lượng lớn tàu thuyền di chuyển sẽ tạo ra các con sóng nhân tạo, làm gia tăng khả năng xói mòn chân đảo, tạo hàm ếch và kích hoạt hiện tượng trượt, đổ lở đá.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP Hạ Long đã xây dựng Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh và sắp xếp ổn định dân cư, đem lại cho họ cuộc sống an cư và cơ hội thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Theo báo cáo của TP Hạ Long, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án di dời nhà bè và làng chài trên vịnh, thành phố đã bàn giao được 344 hộ dân lên bờ sinh sống; tổ chức tuyên truyền, vận động và cưỡng chế di dời 287 nhà bè, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long và đảm bảo cuộc sống ổn định, bền vững cho cư dân làng chài. Đến nay 364 hộ dân làng chài đã an cư trên đất mới tại Khu tái định cư phường Hà Phong, hàng trăm đứa bé làng chài mù chữ đã được cắp sách đến trường, TP Hạ Long đã và đang tổ chức các lớp học đào tạo nghề cho ngư dân, bố trí việc làm phù hợp cho họ.
Theo số liệu điều tra, khảo sát, tuy đã thực hiện việc di dời dân trong vùng lõi rất hiệu quả nhưng hiện tại trên khu vực Vịnh Hạ Long vẫn còn tồn tại một số cụm tàu neo đỗ, nuôi trồng thủy, hải sản trong các áng nước tại khu vực phía đông đảo Đầu Bê (vụng Cống Sắt) với khoảng 50 tàu và rải rác ở các khu vực khác. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở, đổ lở tại các khu vực này xảy ra với mật độ không nhiều, một phần do các khu vực này đều nằm trong các vùng khuất gió, lớp phủ thực vật phát triển tốt, một phần nữa là do kinh nghiệm sinh sống lâu năm trên biển nên người dân lựa chọn những vị trí khá an toàn.
Hoạt động du lịch làm tăng nguy cơ sạt lở hòn Trống Mái
Bên cạnh việc phân tích, đánh giá hoạt động dân sinh trên khu vực hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đánh giá hoạt động du lịch trên Vịnh ảnh hưởng đến hiện trạng đổ lở, sạt lở, xói mòn chân đảo. Theo đó, đi qua khu vực hòn Trống Mái có 2 luồng tàu: luồng phía Nam cách khoảng 120 -200m, luồng phía Bắc cách khoảng 100m, các phương tiện cỡ lớn như tàu hàng, xà lan, tàu nghỉ qua đếm và tàu cao tốc thường chạy theo 2 luồng trên. Các phương tiện ghé đảo thăm quan thường không tuân theo luồng tuyến.
Tàu, thuyền và cano đi vào khu vực hòn Trống Mái thường dừng lại chụp ảnh ở khoảng cách 29m đến 33m. Sau khi chụp xong, các phương tiện đi ra xung quanh đảo hoặc quay ra để thăm quan các điểm khác. Ở thời điểm thấp điểm (ít phương tiện thăm quan), các phương tiện có thể tiến (lùi) ra xa đảo để tiếp tục hành trình. Vào lúc cao điểm, mật độ tàu thuyền thăm quan lớn, các phương tiện có xu hướng tiến sát vào đảo rồi vòng ra ở khoảng cách 10m - 13m.
Với khoảng cách này, các tàu du lịch di chuyển với tốc độ chậm tạo nên con sóng cao khoảng 15 -25cm vỗ vào hòn Trống Mái (ở điều kiện quan sát vào thời điểm triều kiệt), sẽ nguy hại hơn khi chiều dâng cao lên hơn 2m (vào thời điểm triều cường), cột sóng sẽ lớn hơn và sẽ tác động lớn hơn vào hệ thống các khe nứt, vách đảo ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của hòn Trống Mái.
Vào lúc cao điểm, các tàu thuyền thăm quan đông, gây ách tắc cả một quãng dài, việc các phương tiện chen lấn nhau và chạm lẫn nhau và có nguy cơ va vào hòn Trống Mái.
Hơn nữa, theo số liệu quan trắc xung quanh khu vực hòn Trống Mái có nhiều các chủng loại các phương tiện lưu hành qua đây, bao gồm: Tàu hàng lớn, xà lan chạy theo luồng, tuyến cách đảo khoảng 140m; các du thuyền, tàu nhà hàng, tàu nghỉ qua đêm 100 – 140m; các tàu du lịch theo tuyến trong ngày 0 – 50m; các loại ca nô, xe máy nước.
Các phương tiện lớn lưu thông qua đây thường ở tương đối xa và tốc độ di chuyển chậm, tạo ra sóng không cao dao động trong khoảng 10 – 40cm (tùy khoảng cách và tốc độ). Khi các ca nô, tàu cao tốc, xe máy lướt sóng chạy qua, thường lưu thông với tốc độ cao, tạo cột sóng lớn hơn nhiều.
Các ca nô chở 1 đến 2 người khi đi qua khu vực với tốc độ cao có thể đạt đến 30 km/h có thể tạo nên cột sóng tối thiểu 30 cm, ca nô cỡ lớn hơn có sức tải từ 4 đến 8 người khi di chuyển với tốc độ 30 km/h có thể tạo nên cột nước từ 40 đến 60 cm, các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa >100m với tốc độ tương đương có thể tạo nên cột sóng cao >80cm tác động lên đảo. Thời gian tác động khi các phương tiện này đi qua kéo dài từ 1 – 2 phút. Chưa kể một số ca nô đến thăm quan đảo thường lượn nhiều vòng quanh đảo.
Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, hiện đội tàu du lịch vịnh Hạ Long còn khoảng hơn 400 tàu đang hoạt động. Như vậy số lượng tàu/thuyền hoạt động trên Vịnh tương đối lớn. Hầu hết các tàu này chạy nguyên liệu là xăng dầu và một lượng lớn tàu đã cũ đang là các phương tiện thải lượng CO2 rất lớn ra môi trường nước. Hơn nữa Vịnh Hạ Long là một điểm du lịch rất nổi tiếng của nước ta và cả trên thế giới do đó lượng du khách thăm quan cũng tương đối lớn khoảng 4-5 triệu lượt khách/năm, đây cũng là yếu tố làm gia tăng lượng CO2 trong không khí cũng như môi trường nước trong Vịnh.
Các kết nghiên cứu trước đây cho thấy đá vôi chịu ảnh hưởng của môi trường thường dễ bị hòa tan (đặc biệt là trong điều kiện môi trường giàu CO2) là hợp chất dễ tan nên dần dần đá bị ăn mòn.
Tìm giải pháp giảm tác động lên hòn Trống Mái
Để giảm thiểu mức độ tác động đến sự ổn định của hòn Trống Mái, các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải pháp xã hội khắc phục như: Nghiên cứu và phân luồng, tuyến ra, vào khu vực quan sát, chụp ảnh hòn Trống Mái; khống chế khoảng cách tối đa các tàu thuyền có thể đến gần hòn Trống Mái (dự kiến khoảng 50m bao gồm cả luồng, tuyến); khống chế thời gian tàu dừng lại để quan sát và chụp ảnh để giảm thiểu sự ách tắc và chen lấn; hạn chế tốc độ của các tàu thuyền khi đi qua khu vực xung quanh đảo xuống còn 5-10km/h khi đi qua khu vực có bán kính 200 - 300m quanh hòn Trống Mái.
Ngoài ra, quy định thời gian dừng đỗ cũng như sắp xếp lượng lịch trình tàu thăm quan tránh hiện tượng ùn tắc, quá tải; nâng cấp chất lượng tàu thuyền thăm quan, chuyển đổi tàu dùng nguyên liệu xăng sang nguyên liệu xanh (điện); phổ biến và nâng cao ý thức của các chủ tàu thuyền và khách tham gia du lịch về bảo vệ môi trường.
Liên quan đến công tác bảo tồn hòn Trống Mái, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái có ý nghĩa quan trọng, thiết thực phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho nhiều thế hệ.
Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh có giải pháp phân luồng, thời gian và tốc độ lưu thông của phương tiện qua lại cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động xâm thực, ăn mòn, gây ảnh hưởng đến an toàn, sự ổn định của hòn Trống Mái.
Còn Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng không chạy quá 10km/h khi đi qua khu vực này.
Kết quả điều tra, đo vẽ chi tiết khu vực hòn Trống Mái kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh, xây dựng mô hình 3D bằng sử dụng thiết bị bay không người lái đã xác định được trên khu vực hòn Trống Mái tồn tại 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối. Trong số 40 khối trên, có 28 khối có nguy cơ cao (trong đó hòn Trống có 7 khối và hòn Mái có 21 khối), 2 khối có nguy cơ trung bình ở hòn Trống và 10 khối có nguy cơ thấp (2 khối ở hòn Trống và 8 khối ở hòn Mái).