Môi trường

TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ "XANH HÓA" BỆNH VIỆN TẠI TP.HCMBài 2: Hành trình "xanh hóa" bệnh viện

Nhóm phóng viên 21/10/2024 - 19:50

Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện lớn, nhất là các bệnh viện được đầu tư bởi các nguồn lực xã hội đang ngày càng tiến gần hơn đến tiêu chí xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

z5932254035666_489e587150f247e2cb7aeaafbfb56380.jpg
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đang thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng mô hình “bệnh viện xanh”

Nhiều tín hiệu "xanh"

Dù vẫn còn không ít những “điểm tối” về môi trường cần phải sớm khắc phục, nhưng rõ ràng hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của TP.HCM đang từng ngày có những thay đổi tích cực. Nhiều bệnh viện lớn, nhất là các bệnh viện được đầu tư bởi các nguồn lực xã hội đang ngày càng tiến gần hơn đến tiêu chí xanh – sạch – đẹp.

Bà Trần Nguyễn Như Anh - Giám đốc Quản lý chất lượng, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: Thứ nhất, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xử lý nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn khác…Hệ thống xử lý nước thải y tế và nước thải sinh hoạt được kiểm soát chặt chẽ đạt theo quy chuẩn của Bộ TN&MT QCVN 28:2010/BTNMT, trước khi xả thải ra môi trường …Đồng thời, chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh, lưu trữ cẩn thận trước khi được đưa đi xử lý an toàn, đúng quy định.

Không chỉ vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn hướng tới mô hình bệnh viện xanh – sạch – đẹp, trong đó giải pháp trồng cây xanh đã được ưu tiên. “Chúng tôi luôn tận dụng các khoảng đất trống để trồng các loại cây xanh phù hợp. Thiết kế, xây dựng các tiểu cảnh ở xung quanh bệnh viện, bố trí các chậu cây xanh dọc các hành lang khu ngoại trú và nội trú nhằm tạo cảm giác mát dịu, dễ chịu cho người dân khi đến khám, chữa bệnh” – bà Trần Nguyễn Như Anh nói.

z5932254027001_cb5a451bd4aa68e99201400e80a60138.jpg
Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn xanh mát tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân và người dân đến khám bệnh

Tương tự, Bênh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cũng đang thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng mô hình “bệnh viện xanh”. Ngoài việc đảm bảo vận hành hệ thống xử lý nước thải, rác thải đúng quy định và trồng nhiều cây xanh, bệnh viện này còn hoàn toàn sử dụng hệ trang bị các thiết bị chiếu sáng được dán nhãn năng lượng xanh, hệ thống điều hòa thông minh để tiết kiệm điện.

Đồng thời, bệnh viện đã xây dựng các hệ thống quy định, quy trình vệ sinh môi trường, huấn luyện cho nhân viên vệ sinh thực hiện và giám sát hàng ngày. Chủ động thuê đơn vị chuyên nghiệp thực hiện xét nghiệm chất lượng nước thải đầu ra nhằm đảm bảo nước thải trước khi thải ra môi trường phải đạt các tiêu chuẩn cho phép.

z5932254019010_25c1401def5fa90f8dc4b05e5c642481.jpg
Mặc dù luôn trong tình trạng quá tải vì lượng người đến khám chữa bệnh đông đúc, nhưng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫn giữ được môi trường xanh – sạch đẹp

Không chỉ ở các bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư, nhiều bệnh viện công tại TP.HCM cũng đang từng bước khoác lên mình một tấm áo mới: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Trong đó, đối với Bệnh viện Đại học Y dược – nơi có trung bình 8.000 lượt người khám bệnh/ngày, chưa kể bệnh nhân nội trú và người nhà, việc đảm bảo vệ sinh môi trường thực sự là một vấn đề nan giải.

Thế nhưng, trái ngược với sự đông đúc của một bệnh viện tuyến đầu, người dân đến khám chữa bệnh luôn cảm thấy thoải mái bới không gian xanh, sạch, đẹp từ khuôn viên cho tới quầy tiếp đón bệnh nhân, phòng phẫu thuật, buồng bệnh, nhà vệ sinh.

Cần giải bài toán kinh phí

Những nỗ lực của các bệnh viện trong xây dựng không gian khám, chữa bệnh xanh – sạch – đẹp thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn là chưa đủ. Để “xanh hóa” toàn hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ phía các bệnh viện, người dân và sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản trị tòa nhà bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, mặc dù lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm đến việc xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp. Tuy nhiên, do diện tích đất không đủ rộng nên mật độ cây xanh vẫn chưa đáp ứng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Chưa kể, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nên để thực hiện việc “xanh hóa” là một việc không hề dễ dàng.

Còn với góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, để xây dựng các bệnh viện, cơ sở y tế theo mô hình xanh – sạch – đẹp, cơ quan này thường xuyên triển khai văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở y tế thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định.

Đặc biệt, Sở Y tế đã kiến nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần bố trí kinh phí cho các Trung tâm y tế thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng và đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ, nhân viên làm quản lý chất thải y tế.

z5932254031706_0c23267e01be45cecdb2a1be0d4cc4e6.jpg
Tới thời điểm này bênh viện Đa khoa Sài Gòn vẫn chưa có giấy phép môi trường vì đang quá trình khắc phục để xin lại giấy phép

Quay trở lại trường hợp khắc phục vi phạm của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ông Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Phòng hành chính cho biết, tới thời điểm này bênh viện vẫn chưa có giấy phép môi trường vì đang quá trình khắc phục để xin lại giấy phép.

Theo ông Hùng, từ 2018 ,bệnh viện đã có công văn gửi Sở Y tế để xin xây mới công trình hệ thống xử lý nước thải. Nhưng mãi tới đầu năm 2024, Sở Y tế lại giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư để sữa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.

“Đến nay, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh phí, tiến độ thực hiện chậm vì bên chủ đầu tư kéo dài thời gian, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện thoại trao đổi, nhắc nhở nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện” – ông Nguyễn Minh Hùng cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn là một trong những dự án đầu tư công của TP.HCM đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn.

Như vậy để giải bài toán “xanh hoá” cho hệ thống y tế của TP.HCM cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến ngân sách để gỡ vướng cho các bệnh viện công và thúc đẩy các nguồn lực xã hội đầu tư vào các bệnh viện tư đạt chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ "XANH HÓA" BỆNH VIỆN TẠI TP.HCM Bài 2: Hành trình "xanh hóa" bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO