Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận để đưa ra những cảnh báo và đề xuất giải pháp đối với nguy cơ xói lở bờ biển; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước tại hai địa phương...
Theo đó, TS. Phạm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nhân Kỹ thuật và Thủy lợi miền Trung cảnh báo, hiện tượng xói lở bờ biển diễn biến nghiêm trọng tại khu vực bãi tắm chính của Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) và đang lan truyền dần lên phía bắc. Nếu xây dựng một công trình cứng để triệt dòng chảy bùn, cát từ thượng lưu các sông về Cửa Đại thì nguy cơ sạt lở bờ biển càng hướng lên phía Đà Nẵng. Do đó, cần các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu và tính toán kỹ, tổng thể để bảo vệ dải bờ biển từ Hội An đến khu vực bán đảo Sơn Trà.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng 2 địa phương cần nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng các tác động đối với đề xuất xây dựng 2 đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ. |
ThS. Huỳnh Vạn Thắng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng cho rằng, cảnh báo về hướng sạt lở hướng lên phía bắc là rất đáng lưu tâm, nên 2 địa phương cần nghiên cứu kỹ tác động của các công trình chống sạt lở và chỉnh trị các sông. Thời gian qua, 2 địa phương đã phối hợp nâng cao cao trình đỉnh đập điều tiết nước trên sông Quảng Huế từ cao trình 2,8, lên 3,2m đã bảo đảm tốt nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng nên 2 địa phương cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu và đánh giá về mặt hiệu quả của công trình. Đồng thời, 2 địa phương cần nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng các tác động đối với đề xuất xây dựng 2 đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ.
TS. Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng, cần sớm triển khai và hoàn thành đường ống có đường kính 1,2m từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ kết hợp với việc xây dựng hoàn thành Nhà máy nước Hòa Liên thì có thể an tâm về nguồn nước sinh hoạt cho thành phố đến năm 2030.
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội |
“Giải pháp bảo đảm nguồn nước cần bám theo đề án tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bởi đề án này là giải pháp bảo đảm nguồn nước an toàn mà ít ảnh hưởng đến môi trường. Sau năm 2045, khi khu đô thị phía tây và phía tây năm của Đà Nẵng đã hình thành cũng như khu vực thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) phát triển thành đô thị thì thành phố Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu giửi pháp hồ chứa ở thượng nguồn (sử dụng hồ sông Côn) hoặc mua lại một trong các hồ thủy điện ở trên sông Vu Gia để dẫn nước về Đà Nẵng khi vòng đời dự án thủy điện đã hết.”- TS Lê Hùng đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - Võ Nguyên Chương cho rằng, việc tiếp cận các khâu từ đề xuất ý tưởng, thiết kế, triển khai đầu tư xây dựng các công trình ở trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải bảo đảm sự hài hòa lợi ích của các địa phương, bảo đảm phát triển kinh tế và phát triển bền vững.
Biển Hội An đang bị sạt lở nghiêm trọng |
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đề xuất định hướng hoạt động năm 2021 của ban điều phối là tiếp tục đối thoại định kỳ lồng ghép các nội dung trao đổi kỹ thuật về các giải pháp xâm nhập mặn ở Vĩnh Điện, Hội An và Nhà máy nước Cầu Đỏ; Tăng cường phối hợp hỗ trợ thực hiện quản lý môi trường trên lưu vực sông theo chỉ đạo của Tổng cục Môi trường về việc quản lý các nguồn nước thải lớn, quản lý ô nhiễm lưu vực sông tại các địa phương; huy động các nguồn lực, hỗ trợ của các bộ, ngành để đáp ứng các yêu cầu thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ của 2 địa phương; đề xuất dự án đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; đồng thời, xây dựng đề án quản lý rác thải ven biển trên địa bàn 2 địa phương…