Tìm động lực từ ESG thúc đẩy tăng trưởng xanh
(TN&MT) - Ngày 23/5, Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG”, nhằm áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu Tư khẳng định, hiện nay, phát triển xanh đã trở thành xu hướng bao trùm trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã liên tục cam kết thực hiện nghiêm Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc, trong việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về bằng “0” (Netzero) vào năm 2050 và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Trên thực tế, việc áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG) đã giúp nhiều chủ thể trên thương trường nhận ra rằng, 3 tiêu chí quan trọng này cũng chính là thước đo để đánh giá khả năng triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp sẽ dễ dàng thành công hơn khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG đang dần tỏ ra vượt trội so với những chủ thể khác.
Ông Minh cho biết, "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" là chủ đề chính của Hội thảo ngày hôm nay, sẽ giúp các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia trao đổi, thảo luận và hình dung được phần nào những cơ hội mà ESG đem lại cho cộng đồng kinh doanh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, bối cảnh tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngoài lợi nhuận, doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường xã hội.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, vì vậy cần những giải pháp để giữ nhịp độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam cần chú trọng đến việc phát triển bền vững về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi xanh,... điều này đòi hỏi sự tham gia của 3 bên, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, hành động của khu vực doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức hội đoàn, Tổ chức phi Chính phủ…
Nhiều quốc gia đã có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển xanh thân thiện với môi trường, như Hoa Kỳ, Châu Âu, Ấn Độ áp dụng tương đối chính sách này, tăng cường các biện pháp giảm thiểu carbon, thông qua các biện pháp thuế carbon. Đặc biệt, với mục tiêu trong hành trình hướng tới tăng trưởng xanh, thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG, áp dụng ESG không phải là pháp lý mà là yếu tố cốt lõi cho phát triển bền vững tăng cường trách nhiệm của liên minh Châu Âu.
Do đó, để thực hiện Chiến lược xanh quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trước các thách thức bên ngoài, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kinh tế trung hòa khí carbon trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp theo báo cáo phát triển bền vững, soạn thảo yêu cầu mới với ESG như: Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư kinh doanh trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh, đẩy nhanh thị trường tín chỉ carbon; xây dựng ưu đãi khuyến khích phát triển chuyển đổi xanh cho phù hợp; xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi tăng trưởng xanh kiến nghị giải pháp đặc thù; xây dựng cơ chế, chính sách về nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh từ các tổ chức quốc tế.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh, khuôn khổ pháp lý quan trọng để địa phương lựa chọn nhà đầu tư, bố trí nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thu hút nguồn lực thông qua dự án M&A, thu hút nguồn đầu tư xanh phát triển kinh tế xanh trọng điểm.
Đề cập đến định hướng Chiến lược Chuyển đổi Xanh của Việt Nam trong bối cảnh mới, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu nó được cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hưởng ứng. Chuyển đổi xanh phải bắt nguồn đầu tiên từ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân.
Để thực hiện các mục tiêu Việt Nam đã cam kết trong COP 26 nhằm đạt Netzero vào năm 2050, TS. Nguyễn Tú Anh nêu lên Chiến lược Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050 của Việt Nam đã đưa ra các định hướng cụ thể, tập trung thúc đẩy xanh hóa quá trình sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong đó cần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; phát triển mạnh các ngành sản xuất hiện đại, ít phát thải.
Bên cạnh đó, từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới, các ngành kinh tế tuần hoàn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi bền vững nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với BĐKH và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức và thay đổi lối sống của cộng đồng hướng tới một nền kinh tế xanh như: Xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh; Thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, hiện nay có những thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước. Vì vậy, cần một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đã diễn ra các phiên thảo luận đến từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT, các chuyên gia cùng các doanh nghiệp bàn luận về việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, thực hiện các tiêu chí ESG, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi mô hình đầu tư,... Cùng với đó, Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng ESG nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển phồn thịnh và bền vững.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tiên phong như Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), BCG Energy, Yuanta Việt Nam, UOB Việt Nam, TÜV Rheinland Vietnam, Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp XNK Đông Dương (DDG), Công ty cổ phần tái chế nhựa Lam Trân đã chia sẻ câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm xung quanh việc thực hành ESG. Đặc biệt, hội thảo còn có khu vực trưng bày và phần trình diễn mẫu xe điện Vinfast VF3 đang rất được quan tâm hiện nay.