Nông nghiệp tuần hoàn của GREENFEED: Bước chuyển xanh và phát triển bền vững
(TN&MT) - Nhận thức rõ việc đảm bảo các thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nền tảng cho sự phát triển bền vững, GREENFEED đã luôn chủ động rà soát các rủi ro trọng yếu, phân tích cơ hội cải tiến quy trình và tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào quản lý vận hành. Đồng thời, Tập đoàn cũng từng bước xây dựng hệ thống quản trị rủi ro ESG, theo dõi, đo lường và công bố thông tin một cách minh bạch, đảm bảo việc thực thi trên các nền tảng quan trọng.
Xây dựng một hệ sinh thái “Xanh - Lành”
Hơn 20 năm bền bỉ xây dựng các thương hiệu chất lượng đáng tin cậy, GREENFEED chuyển mình từ một nhà máy thức ăn chăn nuôi trở thành một Tập đoàn Nông nghiệp - Thực phẩm hàng đầu, sở hữu 12 nhà máy, 41 trang trại heo, gà, thủy sản cùng hoạt động kinh doanh trải khắp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn đã phát triển thành công chuỗi giá trị tích hợp 3F Plus, bao gồm các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Feed), Chăn nuôi (Farm), Thực phẩm (Food), logistics, công nghệ và các ngành phụ trợ khác. Với định hướng phát triển bền vững, GREENFEED tập trung xây dựng một hệ sinh thái “Xanh - Lành”, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh doanh và các yếu tố về môi trường, xã hội.
Cùng với đó, GREENFEED cũng đã chủ động rà soát và cập nhật lộ trình mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, gắn liền với chương trình hành động chuyển đổi xanh. Tập đoàn còn triển khai các sáng kiến nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời, sẵn sàng hợp tác thông qua các mô hình kinh doanh liên kết, huy động thêm nguồn lực từ đối tác, khách hàng và các bên liên quan. GREENFEED cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới hợp tác dựa trên mối quan hệ tin cậy với các nhà cung cấp có cùng tầm nhìn và mục tiêu; đồng thời, thúc đẩy các thực hành bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: GRI Standard, ISO, Global GAP, BAP và FSSC.
Thông qua các chương trình hợp tác, Tập đoàn cũng đã tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động và tiên phong triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực quản trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, GREENFEED cũng đã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển nguyên liệu bền vững, tối ưu hóa vận hành trên nền tảng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi kép. Mục tiêu của GREENFEED là giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình của Chính phủ và các cam kết quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững toàn diện.
Chuyển đổi mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Từ tiếp cận kinh tế tuần hoàn, cũng như kiểm soát các giá trị qua chu trình sản xuất khép kín, chất thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ được thu hồi để sản xuất phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng và trả lại cho đất những thành phần dinh dưỡng cần thiết. Quá trình này góp phần tăng tính bền vững trong canh tác nhờ thay thế lượng phân bón hóa học phải sử dụng. Qua đó, hạn chế việc tiêu hao tài nguyên để sản xuất phân bón và giảm phát thải trong quá trình sản xuất phân bón vô cơ. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Tập đoàn đã cung cấp hàng ngàn tấn phân bón hữu cơ truyền thống và phân trùn quế lỏng cho canh tác nông nghiệp.
Các giải pháp công nghệ mới được GREENFEED liên tục đưa vào sản xuất như: Hệ thống cho ăn uống tự động trong các trang trại giúp giảm tối đa lượng nước thất thoát; hệ thống thông gió làm mát trung tâm giúp giảm lượng nước làm mát chuồng trại; nước thải chăn nuôi được xử lý bằng các công nghệ sinh học hóa lý, đồng thời, thu hồi tận dụng khí sinh học (biogas) cho phát điện; nước thải đầu ra sau xử lý đạt QCVN về nước thải chăn nuôi được tái sử dụng cho cây trồng theo đúng quy trình đăng ký hợp quy với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp với từng quy mô trại đang được tiếp tục triển khai không chỉ cho các trang trại do GREENFEED quản lý vận hành mà còn được nhân rộng ra các trại khách hàng đối tác của ngành Thức ăn chăn nuôi. Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong hoạt động sản xuất ngành chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ quan trọng chiến lược của GREENFEED. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng và triển khai đánh giá hiệu quả các mô hình sáng kiến chuyển đổi xanh; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trên phạm vi toàn chuỗi nhằm thúc đẩy thực thi các mục tiêu đã cam kết.