Thiếu nước sạch, không thể giảm nghèo bền vững
Hiện nay, khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường đang là mối đe dọa, rủi ro lớn đến cuộc sống con người. Những cơn khủng hoảng này không chỉ riêng ở châu Phi hay các vùng sa mạc mà đã diễn ra ngay cạnh mỗi chúng ta, vì trung bình cứ mỗi 3 người Việt Nam thì có một người bị thiếu nước sạch.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), thống kê sơ bộ trên toàn quốc cho thấy, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày).
Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. Bởi vậy, tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.
Ông Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng.
Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, lượng mưa thấp, mức độ bốc hơi nước cao làm cho khả năng tích nước hạn chế, người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn làm cho khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm. Nước mặn lấn sâu vào đất liền vài chục đến hơn trăm km, nồng độ mặn cao, có nơi độ mặn lên tới 20 phần nghìn nên nước sinh hoạt sản xuất thiếu nghiêm trọng, có thời điểm người dân phải mua nước sinh hoạt với 200 nghìn đồng/m3. Cùng với đó, tình trạng xâm nhập mặn đang làm các kênh rạch, mạch nước ngầm không thể sử dụng được. Tại nhiều nơi trên vùng sông nước này, nước lại đắt hơn gạo khiến cuộc sống của người dân đang ngày càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, thách thức nguồn nước luôn gắn liền với giảm nghèo. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch là 57%, trong khi đó tỷ lệ này ở thành thị là 89%. Tỷ lệ người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 59% và tỷ lệ này ở thành phố là 92%. Thống kê cũng cho thấy, nhiều hộ nghèo chưa được sử dụng nước sạch hoặc không có nhà vệ sinh. Điều này đã gây ra những áp lực lên nguồn nước, áp lực này càng trở lên khốc liệt hơn khi dân số tăng cùng với mặt trái của quá trình tăng trưởng kinh tế, biến đối khí
Theo dự báo, có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Chung tay để bảo vệ nguồn nước cho thế hệ tương lai
Để giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu, ngày Nước thế giới (22/3) năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” (Accelerating Change) nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo sự khác biệt bằng cách thay đổi nhận thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hằng ngày.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, không thể thiếu sự tham gia có ý nghĩa của nhiều bên liên quan. Mỗi tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực và cụ thể như tiết kiệm nước sạch khi sử dụng, không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt; nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện phải được xử lý trước khi thải ra môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất chất dinh dưỡng dư thừa, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, nguồn nước ngầm…
Chính quyền các địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, nhất là các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các vùng núi cao, hải đảo, vùng khan hiếm nước.
Hướng đến mục tiêu mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch
Nước sạch và vệ sinh môi trường là điều kiện tối thiểu cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của con người. Đây cũng là một chỉ số quan trọng đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc tăng độ bao phủ về cấp nước sạch và vệ sinh. Khả năng tiếp cận nguồn nước đã cải thiện tăng lên trên toàn quốc. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân). Vẫn còn 15% người dân chưa được tiếp cận nước sạch.
Vì vậy, để hướng đến mục tiêu, mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, trước hết các cấp, các ngành cần tăng cường đầu tư và quản lý chặt chẽ các công trình cấp nước sạch. Trong đó thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.
Cùng với đó, cần lồng ghép hợp lý chỉ tiêu về nước sạch nông thôn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp ngành và cấp huyện, xã. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực tư nhân, các cá nhân quan tâm đầu tư, vận hành, quản lý hệ thống cấp nước, đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ cấp nước một cách bền vững.