Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, việc xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chính phủ và các luật liên quan. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012. Do đó, Cục Quản lý tài nguyên nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Luật trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ các nội dung cần sửa để sớm hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục đã tập trung xây dựng dự thảo Luật, tổ chức các Hội thảo với các chuyên gia quốc tế về các nội dung quy định trong Luật. Từ đó, nghiên cứu và bổ sung 1 số nội dung, quy định của Luật và tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: An ninh tài nguyên nước quốc gia; xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước; tài chính về tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác.
Cụ thể, theo dự thảo, chính sách An ninh tài nguyên nước quốc gia quy định gồm 9 điều với các nội dung chính sau: Quy định nguyên tắc, các hoạt động để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; phân công, phân cấp trách nhiệm bảo đảm an ninh tài nguyên nước của các Bộ, ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân; quy định cụ thể các hoạt động bảo đảm an ninh tài nguyên nước đối với các trụ cột: an ninh nước sinh hoạt, an ninh nước cho các hoạt động sản; quy định cụ thể các hoạt động và phân công trách nhiệm bảo đảm an ninh nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy định việc giám sát an ninh tài nguyên nước.
Với chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước được quy định tại 3 điều Các dự án ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước; điều kiện năng lực tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hoá và trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp; nguồn vốn xã hội hoá; nội dung xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Đối với chính sách 3 quy định các nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước và việc phân bổ nguồn thu. Đồng thời, làm rõ hơn các đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước, đồng thời bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước.
Bên cạnh đó, chính sách bảo vệ tài nguyên nước, dự thảo Luật bổ sung các quy định Công trình khai thác, sử dụng nước khai thác không hiệu quả gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp hoặc phá dỡ; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước sinh hoạt phải thực hiện một số biện pháp như: Có biện pháp thông báo, cảnh báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thực hiện lập, phê duyệt phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước đang khai thác và ngừng khai thác khi xảy ra sự cố; mở rộng phạm vi đối với các hoạt động khoan, đào khác có ảnh hưởng đến nước dưới đất.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước bổ sung làm rõ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải cấp phép. Bổ sung 1 Điều quy định về thu trữ, sử dụng nước mưa; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc điều hoà, phân phối nguồn nước. Ngoài ra, cập nhật và bổ sung các quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào Luật.