Tiếp sức cho người dân phát triển sinh kế từ rừng
(TN&MT) - Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ các mô hình thực tiễn về trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, phát triển nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững. Đến nay, đã có khoảng hơn 15.000 nông dân sản xuất nông lâm nghiệp và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đã và đang hưởng lợi từ Chương trình.
Từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là đối tác chính thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tại Việt Nam. Giai đoạn 2 đã được triển khai từ 2019 đến nay, chủ yếu tại các tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Chương trình lựa chọn các dự án nhỏ để hỗ trợ các hoạt động sản xuất và kinh doanh bền vững dựa vào rừng và trang trại, đặc biệt, dự án đủ điều kiện phải đảm bảo tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số và/hoặc các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.
Theo ông Mai Bắc Mỹ, Giám đốc Chương trình FFF II tại Việt Nam, Chương trình đang triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các các THT, HTX, áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với BĐKH, tiếp cận các dịch vụ các giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, triển khai đào tạo, tăng cường năng lực cho Hội Nông dân các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân.
Tính đến nay, Chương trình đang hỗ trợ 51 tổ hợp tác, hợp tác xã ở 5 tỉnh, với hơn 1.000 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11,7% thanh niên) và gần 2.000 hộ thành viên liên kết. Các tổ hợp tác, hợp tác xã và cộng đồng sống dựa vào rừng tại các vùng dự án FFF được đào tạo về kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, quản lý rủi ro, nâng cao sinh kế. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững; áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính.
Một trong những mô hình nổi bật là trồng rừng và nuôi ong dưới tán rừng, do Hợp tác xã Thịnh Phát (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) triển khai. HTX hiện quản lý 50 ha rừng trồng với các loài cây chính gồm keo, bồ đề, quế và nhiều loại cây ăn quả như bưởi, mít, chanh. Người dân nuôi ong dưới tán rừng và tán cây ăn quả trong vườn rừng và áp dụng các giải pháp sinh học trong quá trình sản xuất.
Trong hệ thống sản xuất này, nguồn thức ăn cho ong từ mật hoa và phấn hoa sẵn có trong vườn rừng, giúp giảm chi phí đầu vào cho nuôi ong. Một số thành viên HTX đã áp dụng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững cho một số diện tích trồng keo để đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) giúp nâng cao giá trị của rừng.
Các sản phẩm mật ong của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, giúp đảm bảo chất lượng và mở rộng thị trường. Vì vậy, doanh thu của hợp tác xã năm 2023 (gần 2 tỷ đồng) đã tăng 20% so với năm 2022. Ngoài ra, hợp tác xã còn giúp cải thiện thu nhập 10 - 20% cho 25 người dân địa phương thông qua việc bán sản phẩm và cung cấp lao động cho hợp tác xã.
Nhờ nguồn tài trợ từ Chương trình FFF, Hợp tác xã sử dụng quỹ tín dụng xanh trị giá 13 triệu đồng (khoảng 500 USD) để hỗ trợ các hộ nghèo trong sản xuất, đặc biệt trong thời gian mất mùa do rủi ro khí hậu và dịch bệnh. Tính đến năm 2023, 5 hộ gia đình đã được tiếp cận tín dụng xanh này và với chu kỳ luân chuyển hàng năm, các hộ khác trong hợp tác xã cũng sẽ được tiếp cận trong năm 2024.
Tính đến nay, Chương trình FFF đang hỗ trợ kết nối thị trường, doanh nghiệp cho 15 chuỗi sản phẩm; hơn 600ha chuyển hóa rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn; hơn 13.000 ha gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hơn 4.000 ha sản phẩm quế, hồi, thảo dược, bí xanh thơm, gạo, rau quả, cam, bưởi, gừng… đã có chứng nhận hữu cơ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…
Liên quan tới phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, TS Dương Ngọc Phước, Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, Việt Nam đã và đang hoàn thiện chính sách và định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững (SFM), đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc trồng rừng gỗ lớn cần triển khai theo chứng chỉ quốc tế, quản lý rừng bền vững, đầu tư vào chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm.
Việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh rất quan trọng. Các tổ hợp tác, hợp tác xã cần đầu tư xây dựng và cập nhật kế hoạch, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư vào quảng bá và kết nối thị trường, tận dụng các cơ hội thị trường mới.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cùng Bộ NN&PTNT cần tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại và thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đặc biệt, Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục được nâng cao năng lực tư vấn, dịch vụ , đào tạo “ươm mầm” kinh doanh để hỗ trợ các THT, HTX khởi nghiệp kinh doanh.