Ngày 25/1/2018, Công ty TNHH MTV Sông Chu (Công ty Sông Chu) do ông Lê Văn Nhị, Chủ tịch HĐTV ký Dự thảo hợp đồng nạo vét bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng với Công ty TNHH VLXD Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn), do ông Vũ Quang Tuấn làm Giám đốc. Giá trị hợp đồng là 425.790.000 đồng, thời hạn 6 tháng. Nhưng điều lạ lùng là trong hợp đồng không đánh số, không có khối lượng nạo vét, không có vị trí đổ thải và cả phương tiện nạo vét cũng không nêu rõ trong hợp đồng. Mặc dù là hợp đồng chính thức, nhưng lại ghi là: “ Dự thảo hợp đồng thi công xây dựng”?
Theo Báo cáo thiết kế kỹ thuật giữa Công ty Sông Chu và Công ty Thanh Tuấn thì đây là công trình cấp 4. Biện pháp thi công là nạo vét bùn, cát bồi lắng. Chiều dài nạo vét: L= 138,7 m, đoạn từ cọc 07+11,5 đến cọc 15 có độ cao đáy nạo vét +13,80, hệ số mái m=2; Bề rộng nạo vét B=(52,6-73,5)m. Biện pháp thi công dùng cơ giới tàu hút sông động cơ 1.000 CV. Đất nạo vét đổ về bãi thải cách đập Bái Thượng 300m về phía hạ lưu
Ngay sau khi có hợp đồng nạo vét trong tay, Công ty Thanh Tuấn đã tổ chức đưa máy móc cũng như phương tiện tàu thuyền vào khai thác cát trái phép ở sông Chu rồi chở về bãi tập kết cát trái phép ngay khu vực đập Bái Thượng mà không dùng Biện pháp thi công cơ giới tàu hút sông động cơ như đã cam kết, gây ảnh hưởng lớn đến đập Bái Thượng
Trước nguy cơ khai thác cát cát trái phép gây sạt lở đất đai, hoa màu của người dân và làm ảnh hưởng đến công trình Đập Bái Thượng. Ngày 26/1/2018, Tổ công tác liên ngành UBND huyện Thường Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC đối với ông Vũ Quang Tuấn (giám đốc công ty) đã vi phạm khai thác khoáng sản hút cát trái phép tại sông Chu thuộc địa phận thôn 2, xã Thọ Thanh (hút được khoảng 20m3 cát đổ vào thuyền). Ngày 29/1/2018 UBND huyện Thường Xuân đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 125/QĐ-XPVPHC đối với ông Vũ Quang Tuấn, số tiền 7.500.000đồng.
Ngày 9/2/2018, Công ty Thanh Tuấn có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về đề nghị được tận thu khối lượng bùn, cát, sỏi sau nạo vét bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng (khu vực công ty ký hợp đồng nạo vét với công ty Sông Chu) để làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ngày 5/7/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 7831/UBND-CN về việc giao xem xét khối lượng tận thu bùn, cát, sỏi sau nạo vét bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng của Công ty Thanh Tuấn. Đồng thời giao Sở TN&MT phối hợp với Sở xây dựng, Sở NN &PTNN, Công ty Sông Chu và các đơn vị liên quan xem xét, căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Lê Văn Thủy - Tổng Giám đốc Công ty Sông Chu thừa nhận việc Công ty Sông Chu có ký hợp đồng nạo vét bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng với Công ty Thanh Tuấn.
Khi PV hỏi việc Công ty Sông Chu ký hợp đồng nạo vét với Công ty Thanh Tuấn có vượt thẩm quyền không? Sau khi nạo vét đổ bãi thải ở đâu và cơ quan nào cho phép tận thu? Thì ông Thủy cho rằng: Công ty Sông Chu thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật rồi trình qua Sở Nông nghiệp và PTNN thẩm định. Sau đó Công ty lựa chọn nhà thầu và xét thấy Công ty Thanh Tuấn đủ năng lực nên đã ký hợp đồng thuê nạo vét, dùng bằng tàu hút. Chúng tôi chỉ thuê Công ty Thanh Tuấn nạo vét, còn tập kết và tận thu là việc của Công ty Thanh Tuấn và Công ty có lợi dụng vào nạo vét để khai thác cát trái phép hay không đó là trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương(!?).
Nhiều người dân đặt câu hỏi: Phải chăng việc Công ty Sông Chu ký hợp đồng nạo vét với Công ty Thanh Tuấn đã “vô hình dung” tạo điều kiện cho Công ty Thanh Tuấn khai thác cát trái phép? Bởi vì sau khi có hợp đồng nạo vét Công ty Thanh Tuấn đã không dùng các biện pháp thi công như dùng tàu cuốc để nạo, mà dùng thuyền để hút; không đổ về bãi thải theo quy địnhNhư vậy, công ty Thanh Tuấn nạo vét cát bãi bồi thượng lưu đập Bái Thượng suốt cả thời gian qua, tập kế, mà chở về bãi tập kết của Công ty để bán, trong khi không được tận thu… Đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sạt lở đất nông nghiệp, hoa màu của người dân, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của Công ty Nước Thanh Hóa và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến công trình cống lấy nước 7 cửa đập Bái Thượng
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại Hợp đồng nạo vét giữa Công ty TNHH MTV Sông Chu và Công ty TNHH VLXD Thanh Tuấn, tính toán khối lượng mà Công ty Thanh Tuấn đã tận thu từ lâu nay hàng trăm nghìn khối cát, để nộp vào ngân sách nhà nước. Đừng vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu, đến nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân và nghiêm trọng hơn đến an toàn cho đập Bái Thượng trong khi mùa mưa bão đang đến gần.