(TN&MT) - Ngày 17/4/2014, báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết về việc Tp. Hạ Long biến đất nông nghiệp thành đất bãi triều để bồi thường cho người dân, khiến dư luận rất bức xúc và có đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Tại Quyết định số 197/QĐ-UBND, ngày 25/1/2014 của TP. Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 8 hộ dân và đơn vị phường Đại Yên để thực hiện dự án: Tuyến đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trong đó, diện tích thu hồi vĩnh viễn nhà ông Nguyễn Văn Trung, tổ 3, Cầu Trắng, phường Đại Yên là 20.011,9m2, được bồi thường 6.000/m2 (tương đương 120.071.400 đồng), hỗ trợ 285.280.000 đồng (hỗ trợ đất bãi triều ven biển 20%). Và tổng mức bồi thường, hỗ trợ là 1,329 tỷ đồng.
Ông Trung chỉ về hệ thống ao nuôi thủy sản, trước đây là ruộng lúa 2 vụ đã được gia đình đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Cũng theo phương án đền bù, hạn mức đất ở mà gia đình ông Trung được tính là 160m2 x 5 lần (tương đương 800m2) và xác định loại đất thu hồi là đất bãi triều, mức hỗ trợ 20% giá đất ở. Thực tế, theo Quyết định số 499/2010/QĐ-UBND thì gia đình ông Trung phải được hưởng mức hỗ trợ đối với đất nông nghiệp là 35%. Và nâng hạn mức đất ở trung bình cho gia đình ông theo đúng Quyết định số 1600/QĐ-UBND ngày 31/5/2011 của TP.Hạ Long.
Ngày 28/4/2014, tức sau khi sự việc được phản ánh trên báo Tài nguyên và Môi trường thì UBND TP. Hạ Long ngay lập tức cho đoàn cán bộ xuống kiểm tra thực tế và ra Quyết định số 1118/QĐ-UBND về việc nâng mức hỗ trợ đất bãi triều ven biển 20% lên thành 35% theo đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, lại không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, công đào đắp, nâng hạn mức đất ở trung bình theo Quyết định 1600/QĐ-UBND ngày 31/5/2011 mà TP. Hạ Long đã quy định về đất nông nghiệp nằm trong địa giới phường.
Sau đó, gia đình ông Trung tiếp tục có đơn thư khiếu nại và một lần nữa UBND TP.Hạ Long ra Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 26/5/2014 về việc giữ nguyên Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 25/1/2014 và Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 28/4/2014. Và không chấp nhận bồi thường đất theo khoản 1, Điều 17 của Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 11/2/2010 của UBND tỉnh; không bồi thường công đào đắp ao, khối lượng đắp đê và các loại máy móc để phục vụ nuôi tôm cho gia đình. Quyết định chỉ chấp nhận hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất theo khoản 1, 2 Điều 35, 37, 40 của Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 11/2/2010 của UBND tỉnh.
Đến ngày 13/6/2014, UBND TP. Hạ Long lại ra Quyết định số 1672/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường bổ sung cho hộ ông Nguyễn Văn Trung với lí do: Theo Văn bản số 2147/UBND ngày 5/6/2014 của UBND TP.Hạ Long về việc lập phương án bồi thường bổ sung đối với phần diện tích đầm nuôi trồng thủy sản nước ngọt là đầm nội địa và Văn bản số 2269/UBND ngày 12/6/2014 về việc lập phương án bồi thường bổ sung phần khối lượng là bờ đầm (đắp đầm) cho hộ ông Nguyễn Văn Trung, tổng kinh phí bồi thường bổ sung 498.776.000đ.
Vậy là, một lần nữa Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Hạ Long và UBND TP. Hạ Long lại “nhỏ giọt” trong việc tiến hành bổ sung phương án bồi thường cho người dân. Hay nói chính xác, là dân có kiện thì cơ quan công quyền này mới bổ sung phương án bồi thường. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu với cách làm đổ hết “thiệt thòi” cho người dân của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Hạ Long thì đến bao giờ người dân thuộc các dự án quan trọng của TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mới hết khiếu kiện. Còn điều gì uẩn khúc bên trong của những quyết định thu hồi, phương án bồi thường thiếu chính xác mà người dân còn chưa biết!?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Hạ Long cho biết: Trung tâm đang hoàn thiện phương án bồi thường bổ sung và sớm trình UBND thành phố phê duyệt, tất nhiên chúng tôi làm theo quyết định chỉ đạo của cấp trên. Sau khi phóng viên đưa ra những bằng chứng về việc cùng khu vực đất thuộc diện thu hồi nhường đất cho Dự án đường nối cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh và khu du lịch sinh thái Hạ Long nhưng có khu đất được hỗ trợ hạn mức đất ở trung bình tới 250m x 5 lần theo Quyết định 1600/QĐ-UBND TP. Hạ Long ngày 31/5/2011, trong khi đất bị thu hồi nhỏ hơn rất nhiều đất nhà ông Trung, vậy thử hỏi công bằng ở đâu? Ông Nhã lúng túng túng: “Để tôi kiểm tra và báo cáo lại cấp trên”! Không biết việc ông báo cáo với cấp trên sẽ đi đến đâu? Còn trên thực tế, các cơ quan công quyền chưa thực sự làm tròn trách nhiệm với dân!
UBND tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc làm rõ vấn đề, quy trách nhiệm đến từng cá nhân để người dân được hưởng những quyền lợi xứng đáng mà lẽ ra họ đáng được hưởng từ lâu, để dự án được sớm triển khai và về đích.
Lê Xuân