Không chỉ có nước thải tẩy rỉ
Ông Lê Quốc Khanh – Kĩ sư Hoá, Cty môi trường Mecie cho biết, trong công nghệ mạ kẽm nhúng nóng, không chỉ có nước thải tẩy rỉ mà còn có nước thải tẩy dầu mỡ.
Trước khi mạ kẽm bằng công nghệ nhúng nóng, cần xử lý bề mặt để loại bỏ tạp chất dễ làm hỏng bể kẽm và tăng khả năng bám dính. Xử lý bề mặt kim loại gồm 03 quá trình: Tẩy dầu, tẩy rỉ và thấm hoá chất.
Đầu tiên, là công đoạn tẩy dầu mỡ hay còn gọi là tẩy nhờn. Trong quá trình gia công, bảo quản có nhiều tạp chất bám trên thép, điển hình là chất nhờn, dầu mỡ. Nếu thực hiện mạ kẽm nhúng nóng mà không loại bỏ tạp chất nhờn sẽ dẫn đến việc lớp kẽm khó có thể phù hoàn toàn và bám chặt lên bề mặt thép.
“Để tẩy nhờn, công nghệ hiện nay là dùng KeboClean hoặc xút (NaOH). Thời gian ngâm sản phẩm trong KeboClean từ 10 – 15 phút, còn với NaOH là 30 phút. Dung dịch thải ra từ quá trình tẩy dầu tương đối khó xử lý vì rất nhiều tạp chất” – Ông Khanh nhấn mạnh.
Sau tẩy nhờn là công đoạn tẩy rỉ. Dung dịch tẩy rỉ thường dùng là Axit Clohidric 8-15%. Để hiệu quả, quá trình tẩy rỉ thường chia làm 02 giai đoạn (02 bể, sơ cấp và thứ cấp). Thời gian ngâm trong bể tẩy rỉ từ 20 phút tới 60 phút tuỳ tình trạng rỉ sét của sản phẩm.
Công đoạn xử lý bề mặt cuối cùng là thấm hoá chất với mục đích tránh cho thép khỏi bị oxy hóa trong giai đoạn sấy sau đó và tăng mức độ chống thấm ướt của bề mặt thép trước khi mạ nhúng vào bể kẽm nóng.
Chất thải của quá trình tẩy rỉ chủ yếu là FeCl3 và axit HCl dư. FeCl3 nếu dính vào da có thể gây bỏng rát, ăn mòn mô, dính vào mắt thì có thể gây mù loà vĩnh viễn, nuốt phải sẽ gây ra hiện tượng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy - Ông Khanh cho biết thêm.
Nguồn ô nhiễm ngay sát khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước thôn Hạ Câu A – Công ty CP Cấp nước Thị trấn An Lão làm người dân hoang mang, cuộc sống đảo lộn. |
Nước thải trong công ty mạ kẽm Amecc có màu giống y hệt với nước ô nhiễm trên kênh Cẩm Văn II |
Nước thải ô nhiễm bám dính trên bờ kè kênh Cẩm Văn II |
Nhật ký hoạt động xử lý thải có dấu hiểu giả mạo để "che mắt" cơ quan chức năng |
Nhật ký giả ?
Trong buổi làm việc với Báo Tài nguyên & Môi trường ngày 5/9, ông Nguyễn Văn Thuận – Đại diện công ty (Phụ trách kỹ thuật môi trường) cho biết, sau khi hoá chất tẩy rỉ (dung dịch HCl 10%) giảm hoạt tính, công ty sẽ thay dung dịch mới. Dung dịch cũ có axit dư sẽ được trung hoà bằng nước vôi và đo pH kiểm tra. Công đoạn đo pH được thực hiện bằng giấy quỳ.
Trước đó, ông Thuận nói rằng nước thải sản xuất được đối tác cung cấp hoá chất mang đi. Sau khi PV thắc mắc về chức năng xử lý thải của đối tác đó và biên bản giao nhận chất thải, không cung cấp được tài liệu, ông Thuận “bí quá” lại nói rằng hầu hết nước thải được xử lý tuần hoàn tái sử dụng...
Tạm gác qua những vô lý trong việc cung cấp thông tin của ông Thuận, PV đề nghị được tham quan hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (theo doanh nghiệp, đây là nơi duy nhất xả thải ra môi trường cùng với hệ thống thoát nước mưa, nước mặt). Tại đây PV cũng ghi nhận hệ thống này không hề hoạt động mà chỉ có chức năng duy nhất là “trưng phông” cho có, nhằm “che mắt” cơ quan chức năng (PV sẽ phản ảnh chi tiết trong bài sau).
Đề nghị được xem nhật ký hoạt động của hệ thống này, sau một hồi khất lần, ông Thuận cuối cùng cũng mang ra một quyển sổ ghi : Nhật ký vận hành trạm xử lý nước thải sản xuất ???.
Nhật ký này có nhiều điểm lạ thường, không giống như quy trình của hệ thống nước thải sinh hoạt mà ông Thuận mô tả… sau đó được giải thích là nhật ký tổng hợp giữa nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, thật là vô lý !
Trong khi hệ thống nước thải sinh hoạt được vận hành hàng ngày thì nước thải sản xuất phải theo đơn hàng gia công. Chuẩn độ pH theo ông Thuận nói kiểm tra bằng giấy quỳ (chuẩn độ so sánh theo màu vốn dĩ chỉ đọc được số nguyên dương từ 1 tới 14) … nhưng trong nhật ký lại ghi các thông số: 8.1; 6.2; 7.3 … ! Tiếp nữa, nhật ký lại chỉ ghi đến ngày 28/8, vậy mấy ngày sau công ty vẫn sản xuất tại sao lại không ghi nhật ký?.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh.