Khoáng sản

Tiền Giang: Quản lý hiệu quả khoáng sản, phục vụ giảm nghèo bền vững

Bạch Thanh (thực hiện) 17/05/2023 - 15:39

(TN&MT) - Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên khoáng sản, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản, nhất là cát lòng sông trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang xung quanh nội dung này.

h1(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Kiệt:

Hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản - cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở 02 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh Tiền Giang thông qua, thì trữ lượng cát lòng sông có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,3 triệu m3. Trong đó, trên tuyến sông Tiền được quy hoạch tại 9 khu vực được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 48,97 triệu m3; trên tuyến sông Vàm Cỏ được quy hoạch 01 khu vực được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 1,33 triệu m3.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được tăng cường và từng bước đi vào nề nếp; việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã được các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp quan tâm; nhiều khu vực tài nguyên cát lòng sông đã được quy hoạch, khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản, khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Hơn nữa, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đã được nâng lên, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên khoáng sản, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên khoáng sản đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành dù đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao.

Hiện tại, tình hình khai thác cát lòng sông trái phép vẫn thường xuyên xảy ra tại một số khu vực, chủ yếu tập trung tại một số đoạn sông thuộc địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho; đồng thời, vẫn còn tình trạng khai thác cát biển thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông..., từ đó gây ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, đời sống của người dân khu vực xung quanh.

h2..jpg
Tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông trái phép vẫn còn xảy ra

PV: Vậy, tỉnh Tiền Giang có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, phục vụ mục tiêu giảm giảm nghèo vững của địa phương?

Ông Nguyễn Văn Kiệt:

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về khoáng sản, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tháng 5/2023, Sở TN&MT Tiền Giang đã trình UBND tỉnh Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025 và sau 2025”. Trong đó, đề xuất 8 giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Và trong mỗi giải pháp đều đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện, phân công rõ ràng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên cát; nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từ huyện đến xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác liên ngành các cấp; đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; tăng cường kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác cát, sỏi; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi.

Đăc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang giao UBND cấp huyện và xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện “Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác tài nguyên cát trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; đồng thời, tổ chức vận động các chủ phương tiện ghe bơm hút là người địa phương ký cam kết không tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép.

h3(1).jpg
Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên địa bàn

PV: Riêng Sở TN&MT Tiền Giang có giải pháp nào để tránh thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giảm nghèo bền vững của địa phương?

Ông Nguyễn Văn Kiệt:

Như đã nói, vừa qua, Sở TN&MT Tiền Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành 02 Đề án là “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2023 – 2025 và sau năm 2025” và “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”.

Sau khi 02 Đề án này được phê duyệt, Sở TN&MT sẽ tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, bảo vệ môi trường, và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang trong tình hình mới.

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, Sở TN&MT Tiền Giang cũng sẽ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với những giấy phép khai thác tại khu vực khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản. Cạnh đó, Sở TN&MT rà soát, tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở những khu vực chưa thăm dò hoặc những khu vực nhà nước đầu tư thăm dò; đồng thời, kiểm tra, phê duyệt phương tiện khai thác phù hợp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, để thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, Sở TN&MT Tiền Giang cũng sẽ tham mưu thực hiện việc điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác tài nguyên cát nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, ưu tiên chi thực hiện các nhiệm vụ về cải tạo phục hồi môi trường khu vực khai thác khoáng sản, phòng chống sạt lở bờ sông; góp phần vào triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Quản lý hiệu quả khoáng sản, phục vụ giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO