Tiền Giang siết chặt hoạt động “3 tại chỗ” để thực hiện “mục tiêu kép” |
Siết chặt phương án “3 tại chỗ”
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã tăng cường bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh trong các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh Tiền Giang đã ban hành bộ tiêu chí tạm thời về việc thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã thẩm định xong và công nhận hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” đối với 22 doanh nghiệp trong tổng số 33 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” theo tiêu chí mới. Trong số này, có 12 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và 10 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn 2.000 lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.
Xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh cho công nhân tại Tiền Giang |
Rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp “3 tại chỗ” trước đây đã để xảy ra hơn 600 công nhân dương tính với SARS-CoV-2, lần này phương án “3 tại chỗ” của tỉnh Tiền Giang được quy định rất nghiêm ngặt theo hướng siết chặt, đảm bản an toàn về phòng chống dịch Covid-19.
Hầu hết các doanh nghiệp được công nhận phương án “3 tại chỗ” đã thành lập các tổ an toàn Covid để thực hiện công tác tuyên truyền, đôn đốc, giám sát, nhắc nhở và hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tại khu vực nhà ăn cũng tổ chức bữa ăn đảm bảo giãn cách, bố trí theo đúng các nội dung trong phương án được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chủ doanh nghiệp phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn công nhân tuân thủ quy tắc 5K, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải theo điều kiện mới, cần phải có phương án phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất.
Tiền Giang tổ chức lại sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp |
Mở rộng “vùng xanh” gắn với bảo vệ môi trường
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, tỉnh đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 15/9/2021. Để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân "ai ở đâu thì ở đó" hạn chế ra đường để thực hiện công tác tầm soát, bóc tách F0 khỏi cộng đồng tới đâu thì phải giữ "vùng xanh" đến đó; các huyện, thành phố, thị xã linh động, sáng tạo, có mô hình mới, cách làm hay trong thiết lập "vùng xanh".
Đồng thời, thực hiện tầm soát, đánh giá lại các vùng nguy cơ và thiết lập, giữ cho được các "vùng xanh" lấn dần ép "vùng: đỏ, cam, vàng". Trong đó, các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân về việc tiêu thụ hàng hóa, giao thông vận tải, sản xuất - kinh doanh. Thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch đối với "vùng xanh"; và lấy “vùng xanh” làm hậu phương, là nơi cung cấp hàng hóa cho “vùng đỏ”.
Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất. Trong đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Các công nhân hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” |
Còn theo Sở TN&MT Tiền Giang, để thực hiện tốt công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ngành môi trường tỉnh Tiền Giang đã tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền nhằm quán triệt tới từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và người dân về việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại địa phương để đảm bảo sinh hoạt của người dân. Cùng với chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy hoạch. Tổ chức thực hiện các phương án thu gom, xử lý rác thải nguy hại, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm, tránh phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tỉnh rà soát, tăng cường hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn y tế theo quy định pháp luật. Trong đó chú trọng phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường tại Tiền Giang thời gian qua cũng còn nhiều mặt hạn chế. Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải chưa được xử lý triệt để; ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; việc bảo vệ môi trường ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ vẫn còn bị xem nhẹ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Qua đó, để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường; xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đối với công tác bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường.
|