Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Trần Đình Hòa nhận định: Đồng bằng sông Cửu Long gắn bó chặt chẽ với nước, coi nước như là nền tảng của sự phát triển. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, thiết kế dự án Cái Lớn – Cái Bé, và nhiều dự án khác ở ĐBSCL đã điều chỉnh từ tư duy “ngăn mặn, giữ ngọt” trước đây thành “chủ động kiểm soát mặn, ngọt”. Điều đó đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống người dân hiệu quả hơn.
PV: Với tư cách Chủ nhiệm Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và theo sát công trình từ những ngày đầu lên ý tưởng, Giáo sư có cảm nghĩ gì vào thời điểm công trình được khánh thành và đi vào hoạt động?
GS.TS Trần Đình Hòa: Đó là thời khắc rất đặc biệt, khi những hình dung về công trình trở thành hiện thực, đạt tiến độ và chất lượng đề ra. Mấy chục năm trong nghề, chưa có công trình nào khiến tôi cảm thấy các đơn vị thi công, xây dựng dồn hết tâm huyết như vậy. Họ hòa chung vào quyết tâm của Nhà nước, của địa phương, của người dân; bằng mọi cách để công trình trở nên tốt nhất và sớm đi vào vận hành.
Với một công trình lớn như vậy, bất kể khâu nào trục trặc, sai sót dù nhỏ đều sẽ ảnh hưởng đến tập thể. Nếu không suy nghĩ trước, lược hết khả năng có thể xảy ra thì sẽ phải điều chỉnh, rất mất thời gian. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ quản lý, quá trình thực hiện từ các khâu thiết kế, ban quản lý dự án đến đơn vị thi công, địa phương giải phóng mặt bằng đã hết sức tâm huyết và trách nhiệm, đóng góp rất lớn vào thành quả của công trình.
PV: Thưa Giáo sư, vì sao Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé lại có ý nghĩa quan trọng với sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long?
GS.TS Trần Đình Hòa: Trước tiên, cần phải nhìn nhận, vùng dự án có thể nói là vùng rất đặc biệt, đặc thù, hội tụ nhiều yếu tố điển hình nhất của vùng ĐBSCL trong đời sống, sản xuất.
Khu vực này vừa chịu tác động bởi chế độ bán nhật triều biển Đông và cả nhật triều biển Tây. Mùa mưa ở đây thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng10 với lượng mưa chiếm hơn 90%, mùa khô chỉ chiếm lượng mưa nhỏ hơn 10%. Nguồn nước ngọt chủ yếu được cấp từ sông Hậu và tích trữ (trong mùa mưa) từ các sông kênh đổ ra biển Tây qua cửa sông Cái Lớn – Cái Bé.
Vùng dự án có địa hình thấp (cao độ <0,5m chiếm 52% tổng diện tích), xung quanh cao, ở giữa thấp tạo thành lòng chảo, trũng khó tiêu thoát, thường bị ngập úng khi mưa lớn, lũ lớn và triều cường cao. Đa số dân cư vùng dự án sống bằng nghề nông, lâm nghiệp và thủy sản, với lao động thủ công là chủ yếu. Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến sông trong vùng dự án đều là các tuyến giao thông thủy rất quan trọng, nối từ sông Hậu xuống bán đảo Cà Mau.
ĐBSCL nói chung và các địa phương trong vùng dự án nói riêng đang gặp 2 vấn rất lớn. Một là, sự bấp bênh, mất ổn định trong sản xuất nông nghiệp. Thời tiết cực đoan, diễn biến bất hường, xâm nhập mặn..không tuân theo quy luật làm cho kế hoạch sản xuất của người dân luôn luôn bị động, nhiều khi bị tổn thất rất lớn do không thể thích ứng kịp. Hai là, bị động trong phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Dễ nhận thấy, đó là tình trạng thiếu nước trầm trọng về mùa khô, kết hợp với lún sụt đất; về mùa mưa tập trung với cường độ cao, triều cường, nước biển dâng sẽ gây ngập úng nặng nề. Thiệt hại do thiên tai (lũ, hạn, mặn, lốc) trong những năm vừa qua đối với ĐBSCL nói chung và vùng dự án nói riêng rất lớn.
Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm trọn trong vùng Bán đảo Cà Mau, thuộc địa bàn 6 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP.Cần Thơ. Dự án gồm 4 hợp phần: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô và đường giao thông kết nối công trình. Toàn bộ vùng chịu ảnh hưởng của dự án là hơn 900 nghìn ha, tương đương 1/4 diện tích ĐBSCL. Vùng hưởng lợi trực tiếp của dự án giai đoạn 1 khoảng 384 nghìn ha.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai dự án là rất kịp thời. Hiệu quả của Dự án đã giúp cho đời sống người dân và sản xuất giải quyết 2 vấn đề này. Công trình có quy trình vận hành chủ động, sẽ góp phần hạn chế tác động của BĐKH, thời tiết cực đoan (diễn biến bất thường, xâm nhập mặn, hạn hán), suy giảm nguồn nước ngọt do mất cân đối về mùa mưa, chế độ dòng chảy bị đảo lộn do sự điều tiết của các quốc gia thượng nguồn. Bên cạnh đó, giúp người dân chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (ngập lụt, xâm nhập mặn). Giảm thiểu ngập lụt do tác động kép (BĐKH, mưa tập trung, triều cường) và sụt lún đất; Kiểm soát xâm nhập mặn.
Như vậy, dự án đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân sản xuất và phát triển kinh tế xã hội một cách thuận lợi và chủ động. Minh họa cụ thể, riêng đối với tỉnh Kiên Giang: Ngay khi công trình hoàn thành, tạm thời đưa vào khai thác sử dụng trong mùa khô năm 2021, việc vận hành cống Cái Bé đã giúp cho tỉnh không cần phải xây dựng hơn 130 đập tạm ngăn xâm nhập mặn trên các kênh nhánh để phục vụ sản xuất. Không những tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn giảm thiểu mất đất, ô nhiễm môi trường.
PV: Yếu tố “thuận thiên” thể hiện như thế nào ở Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, thưa Giáo sư?
GS.TS Trần Đình Hòa: ĐBSCL đang thể hiện rõ nét nhất với 3 hệ sinh thái và đi cùng là 3 mô hình sản xuất chính thích ứng với từng hệ sinh thái: nước ngọt; ngọt mặn luận phiên và nước lợ; nước mặn.Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất đã cơ bản tận dụng được lợi thế tài nguyên nguồn nước, tài nguyên đất và dần đi vào ổn định, thể hiện sự phù hợp, thích ứng với các hệ sinh thái tự nhiên.
Nhiệm vụ của dự án vẫn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các mô hình sản xuất hiện có, tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài. Dự án chỉ mang tính hỗ trợ và can thiệp để giúp ổn định sản xuất khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra. Bên cạnh đó, góp phần thích ứng và phòng tránh thiên tai một cách chủ động. Điều này hoàn toàn phù hợp và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017.
“Thuận thiên" phải được hiểu theo hướng: Nắm vững các quy luật của thiên nhiên để có tác động khoa học, hợp lý, không can thiệp thô bạo đối với tự nhiên... Mục tiêu là khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Minh chứng rõ nét phần nào thể hiện qua công nghệ đập trụ đỡ của công trình. Thay vì ngăn sông, giải tỏa 1 – 2 xã ven bờ như cách làm thủy lợi truyền thống, đây là công nghệ thi công lần lượt từng trụ đỡ ngay trên dòng sông. Bên cạnh hiệu quả tài chính, lợi ích không tính được bằng tiền ở đây là tiết kiệm đáng kể thời gian thi công, không làm ảnh hưởng đến giao thông thủy của vùng, không làm xáo trộn đời sống, sản xuất của người dân.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận, “thuận thiên” chính là không đi trái lại với quy luật của tự nhiên nhưng đồng thời phải tận dụng, phát huy hết lợi thế của “Mẹ thiên nhiên” để phát triển. Dự án Cái Lớn – Cái Bé và quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ khánh thành dự án nêu rõ phải “chủ động kiểm soát nguồn nước”, đã bao trùm vượt lên cả tác động của BĐKH, đảm bảo thuận thiên kể cả trong trường hợp chịu tác động bất lợi do con người gây ra, đặc biệt là ảnh hưởng từ quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công.
Tất nhiên, kiểm soát ở mức độ nào, thời điểm nào, quá trình “uốn nắn” tự nhiên phải được thực hiện một cách rất thận trọng, khoa học và cân nhắc một cách toàn diện và bền vững. Quá trình triển khai, đơn vị tư vấn cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Là một nhà khoa học, tôi quan điểm, các ý kiến phản biện mang tính cảnh báo cao, đặc biệt về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Chúng tôi đã tiếp thu và xem xét điều chỉnh ngay từ khâu thiết kế, làm sao để hạn chế tối đa những tác động bất lợi trong quá trình vận hành sau này.
PV: Trước những cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu, liệu công trình có thể phát huy hiệu quả trong dài hạn tới hàng chục, hàng trăm năm, thưa Giáo sư?
GS.TS Trần Đình Hòa: Để đánh giá cần xét đến 2 yếu tố: độ bền công trình và chức năng nhiệm vụ có giải quyết vấn đề mang tính ổn định, lâu dài hay không.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – cái Bé đã được thiết kế theo cấp độ công trình cấp 1 với độ bền cao nhất. Nhiệm vụ của công trình là kiểm soát nguồn nước. Như tôi đã phân tích từ trước, đây là vấn đề trung tâm, cốt lõi của Đồng bằng nói chung và vùng dự án nói riêng. Có kiểm soát nguồn nước thì mới ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Với tính chất, quy mô, nhiệm vụ như vậy, tôi khẳng định, công trình sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội, cho đời sống của người dân một cách bền vững, lâu dài.
Vùng ĐBSCLtừ xưa đến nay là vùng rất nhạy cảm với những biến động của tự nhiên. Lịch sử và thực tế cho thấy, người dân vùng ĐBSCL luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, đã luôn điều chỉnh các mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện tự nhiên để phát triển. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trong tương lai gần vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững đúng với tiềm năng, thế mạnh của vùng và sự tin yêu của cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!