Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau khi rà soát theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM đến nay, 28/28 xã của huyện đã được TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã (Hồng Vân) đạt chuẩn NTM nâng cao. Về tiêu chí huyện NTM, Thường Tín đạt 9/9 tiêu chí và được Đoàn thẩm tra TP. Hà Nội đánh giá đạt 98 điểm, với những kết quả nổi bật đó, huyện đã được thành phố quy hoạch vùng đệm xanh của Thủ đô, định hướng xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng kết cấu hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết.
Huyện Thường Tín tập trung xây dựng Nông thôn mới |
Khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Huyện ủy Thường Tín đã chỉ đạo các ngành, các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, ban hành nhiều văn bản và phát động các phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện đối với tất cả các lĩnh vực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện cụ thể.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2020 ước đạt 54 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo sau khi trừ các hộ bảo trợ giảm còn 0,58%. Trong đó, 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính, có ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành. Đến nay 100% làng có nhà văn hóa; 100% tuyến đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng được trải nhựa, đổ bê tông; 73/88 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%.
Khu công nghiệp ở Thường Tín nhìn từ trên cao |
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Mô hình sản xuất nông nghiệp của các xã đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao |
Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò trong tổ chức, chỉ đạo sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp; Chương trình OCOP phát triển, góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế từng địa phương.
Đồng thời huyện cũng quy hoạch 22 cụm công nghiệp, 2 khu công nghiệp, từ đó thúc đẩy cơ cấu lao động giảm dần lao động nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay thu nhập bình quân năm 2020 là 54,6 triệu đồng gấp 3,8 lần so với năm 2010. Điều kiện kinh tế được nâng cao, cơ sở hạ tầng được đáp ứng, việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi, sức bán, sức mua tăng cao, sức sống của người dân cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Con đường hoa dài tít tắp có mặt ở khắp mọi nẻo đường ở huyện Thường Tín |
Song song với đó là phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”. Huyện đoàn Thường Tín phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” với hoạt động “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn”... : chuyên mục “Chung sức xây dựng NTM” vào thứ 6 hàng tuần với thời lượng 7 phút. Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên có tin, bài tuyên truyền trên bản tin nội bộ, biên tập tài liệu soạn giảng, tuyên truyền, đồng thời, mở lớp tập huấn nghiệp vụ về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác.
Với những kết quả đạt được trong năm 2020 sẽ là tiền đề, đòn bẩy, sức mạnh quan trọng để huyện NTM Thường Tín bước vào năm 2021 với khí thế, năng lượng và sức sống mới; nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt của huyện NTM cũng như hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.