Biến đổi khí hậu

Thương mại điện tử: Nhanh nhưng chưa xanh

Khánh Ly 08/08/2023 - 10:15

(TN&MT) - Dịch vụ giao hàng nhanh, tiện lợi cùng với sự nở rộ của xu hướng mua sắm, tiêu dùng nhanh đã thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng nóng lại là những nguy cơ về môi trường từ một lượng lớn bao bì đóng gói, túi ni lông bị thải bỏ mỗi ngày.

Đi ngược xu thế bảo vệ môi trường

Dễ dàng nhận thấy, hình ảnh người giao hàng (shipper) đứng chờ ở cổng các cơ quan, công sở đã trở thành “chuyện thường ngày” tại khu vực đô thị lớn. Còn ở các tỉnh thành, mua sắm qua mạng cũng không còn xa lạ nữa. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đại dịch Covid-19 trong hai năm 2021 - 2022 đã góp phần tạo ra hai làn sóng tăng trưởng kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam. Đặc trưng nổi bật là số người mua sắm trực tuyến tăng nhanh và đông đảo doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số.

Tác động của hai làn sóng này tiếp tục lan tỏa sau khi đại dịch cơ bản được kiểm soát. Qua khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước, VECOM nhận định, lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 - 2025.

untitled.png
Mỗi đơn giao hàng đồ ăn thường đi kèm với nhiều hộp nhựa, túi ni lông.

Mặc dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu và quy mô còn nhỏ (chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2022), nhưng sự phát triển của TMĐT đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, trong đó có vấn đề môi trường.

Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2023 đã chỉ ra, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường. Cụ thể, khâu giao hàng liên quan đến xe cộ chạy trên đường đang góp phần tăng lượng phát thải khí nhà kính. Khâu đóng gói sử dụng rất nhiều hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Phần lớn các bao gói sau khi đến tay khách hàng đều trở thành rác thải.

Điều này đi ngược lại với xu hướng tiêu dùng xanh và rất có thể sẽ trở thành lực cản, làm giảm sức cạnh tranh của TMĐT với hình thức bán lẻ trực tiếp truyền thống. Thực tế trong vài năm trở lại đây, các nhà bán lẻ đã và đang đẩy mạnh hoạt động giảm bao bì nhựa, túi ni lông tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ. Qua đó, xây dựng nhóm khách hàng không sử dụng túi ni lông khi mua sắm và góp phần hình thành ý thức giảm rác thải nhựa trong xã hội. Đồng thời, tác động tích cực đến các các nhà sản xuất để họ chú trọng giảm phát thải trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Cần phát huy thế mạnh của TMĐT

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT (VECOM), hiện nay các chính sách về kinh tế số và TMĐT hiện tại tập trung phần lớn vào các giải pháp phát triển nhanh. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế số và TMĐT một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp TMĐT và logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy sự bền vững.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Nếu có thể giải quyết vấn đề môi trường, sự phát triển của TMĐT sẽ tạo ra công cụ hữu ích góp phần bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động mua bán trực tuyến các sản phẩm, dịch vụ gắn với thu gom, tái chế rác thải; thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động ogistics. Doanh nghiệp, tổ chức thuận lợi hơn khi thực hiện trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon trên quy mô quốc gia và toàn cầu - ông Hưng nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp TMĐT và bưu chính, chuyển phát đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Một số sáng kiến giảm thiểu chất thải ra môi trường như tái chế bao bì, áp dụng công nghệ tự động xác định kích cỡ hàng hóa để lựa chọn bao bì thích hợp, sử dụng bao bì có nguồn gốc nguyên vật liệu được chứng nhận đảm bảo các tiêu chí về phát triển bền vững (FSC), thay thế vật liệu chèn lót ni lông bằng vật liệu giấy được cắt xén từ nguồn bao bì được tái sử dụng.

Ngoài ra, các sàn TMĐT còn đầu tư công nghệ chia chọn hiện đại nhất nhằm tối ưu hóa hiệu quả, tính chính xác cũng như tăng cường khả năng truy xuất, trong khi giảm chi phí và giảm rác thải ra môi trường; ban hành cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho người bán hàng trên sàn TMĐT...

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company chỉ ra, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong TMĐT như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa... sẽ góp phần cắt giảm được 30 - 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Về vấn đề giao vận, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10 - 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất (khoảng từ 60 - 80%). Chính vì vậy, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.

Các chuyên gia nhận định, logistics xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tương lai. Những doanh nghiệp tham gia TMĐT không sẵn lòng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ logistics bền vững hơn sẽ tự tạo ra rào cản đối với chính sự phát triển của mình trong tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử: Nhanh nhưng chưa xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO