Thực thi pháp luật về bảo vệ động thực vật nguy cấp quý hiếm ở Việt Nam

27/04/2016 00:00

(TN&MT) - Trong 2 ngày (27 và 28/4), tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID – GIG) tổ chức Hội thảo “Thực thi pháp luật về bảo vệ động thực vật nguy cấp quý hiếm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.

Tồn tại nhiều bất cập

Theo thống kê cuả Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đến nay Việt Nam đã xây dựng 166 khu bảo tồn động, thực vật bao gồm cả trên bờ và duới nước để bảo vệ môi trường sống của các loài nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn đối với một số loài quý hiếm như hổ, rùa Châu Á, voi… Tuy nhiên, áp lực đối với sự sống còn của loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm ngày càng lớn do môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác, săn bắn, tiêu thụ động, thực vật trái phép ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan tại nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Các quy định pháp luật về danh mục chế độ quản lý, vận chuyển, khai thác sử dụng loài nguy cấp quý hiếm còn mâu thuẫn và chồng chéo. Đồng thời, một số luật quy định của đa dạng sinh học và văn bản hướng dẫn thực thi luật không khả thi do không được các cơ quan chức năng triển khai trong thực tế.

Ngoài ra, hệ thống cơ quan quản lý bảo tồn còn chưa thống nhất, nhân lực cho công thác bảo tồn còn thiếu, thiếu phân tán trong hai hệ thống cơ quan thuộc ngành tài nguyên và môi trường và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời sư phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền về quản lý, bảo vệ loài nguy cấp còn chưa chặt chẽ. Trên thực tế, vẫn còn sự cát cứ trong một số hoạt động như điều tra, xây dựng, chia sẻ, cơ sở dữ liệu về loài nguy cấp, quý hiếm. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý còn mỏng, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, việc quản lý, bảo vệ rừng, loài nguy cấp quý hiếm chủ yếu do lực lượng kiểm lâm đảm nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì nhân lực kiểm lâm được tính theo diện tích rừng, biên chế tối đa 500 hecta rừng đặc dụng có 1 công chức kiểm lâm nên ảnh hưởng nhiều đến thực thi nhiệm vụ.

Hiện tại, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luậ về bảo tồn động, thực vật quý hiếm, nguy cấp còn nhiều hạn chế do lực lượng mỏng, trang biết bị thực thi công vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật còn nhẹ, chưa đồng bộ, ranh giới xử lý hành chính và hình sự chưa rõ ràng….

Thời gian qua, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã nói chung và động thực vật nguy cấp, quý hiếm diễn biến phức tạp, đặc biệt thường xảy ra ở những đia phương còn nhiều rừng tự nhiên, và những địa phương giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc – Lào – Campuchia…

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm toàn quốc phát hiện và xử lý 20.501 vụ vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, trong đó, khởi tố 265 vụ.

Nâng cao hiệu quả thực thi khung pháp luật

Việc tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, quý hiếm và các sản phẩm động vật tiếp tục diễn biến phức tạp, đã phá huỷ hệ sinh thái, gây ảnh hưởng nặng nề đến các quần thể loài động vật và môi trường nói chung.

Để giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn cam kết quốc tế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nạn buôn bán trái phép các loài động thực vật quý hiếm, nguy cấp, tại hội thảo các đại biểu đề xuất Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế và chính sách để việc thực thi pháp luật về bảo vệ động, thực vật được hiệu quả.

Đại diện Cục bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho rằng: Những năm qua, các văn bản thực thi pháp luật về bảo vệ động, thực vật quý hiếm nguy cấp ở nước ta chưa đồng bộ, dẫn đến công tác thực thi pháp luật bị hạn chế và chưa hiệu quả. Trước hết, các cơ quan quản lý cần rà soát, thống nhất cá quy định về bảo vệ động thực vật quý hiếm; sửa đổi bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật quý hiếm và tiến tới loại bỏ những bất cập, sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật . Việc làm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi và tránh được sự không thống nhất về nội dung của các văn bản hiện hành. Đồng thời xây dựng sinh kế bền vững bằng cách hướng dẫn và khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia vào nỗ lực bảo vệ, bảo tồn động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Có như vậy, người dân mới tích cực tham gia bảo vệ động - thực vật; không săn bắn, bắt, bẫy các loài động vật hoang dã quý hiếm; không làm ô nhiễm hoặc phá huỷ môi trường sống của động vật.

Song song, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cam kết, phản ứng với việc không mua bán, tiêu thụ, sử dụng động thực vật, hoang dã nguy cấp, quý hiếm bất hợp pháp và kịp thời tố giác, thông báo các hành vi phạm tới cơ quan chức năng.

Tổ chức kiểm tra việc vận chuyển, tiêu thụ tại các cơ sở nhà hàng, nơi chuyên thực hiện việc chế biến, kinh doanh động vật hoang dã. Tăng cường công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi, quản lý chặt chẽ trại nuôi, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với động thưc vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm….

Việt Nam bị coi là quốc gia trung chuyển và tiêu thụ các loại động thực vật quý hiếm, đặc biệt là đối với các loại ngà voi và sừng tê. Đã đến lúc, các cấp, các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ và nghiêm túc các Chỉ thị, văn bản pháp luật của Nhà nước và Chính phủ bảo vệ động thực vật hoang dã.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi pháp luật về bảo vệ động thực vật nguy cấp quý hiếm ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO