Thực thi Luật Đất đai 2013: Tập trung ruộng đất - đưa kinh tế nông hộ nên sản xuất hàng hóa lớn

04/09/2014 00:00

(TN&MT) - Nhân rộng các mô hình liên kết giữa kinh tế nông hộ với nhau, giữa kinh tế nông hộ với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản...

(TN&MT) - Đó là ý kiến của GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về việc thực thi Luật Đất đai 2013 tại một cuộc tọa đàm về đất đai vừa diễn ra. Theo GS.TS Tùng, sau khi phát huy hết tiềm năng, kinh tế nông hộ bộc lộ những nhược điểm của sản xuất nhỏ, đòi hỏi cấp thiết phải được chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn.
   
Triển khai thi hành Luật Đất đai sẽ có những tác động tích cực đến kinh tế nông thôn
   
Giao đất “vụn”, khó làm kinh tế lớn!
   
  Kinh tế nông hộ đã đóng góp vai trò quan trọng trong những năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc nước ta (1954 - 1957). Nhất là,  từ năm 1988 thực hiện “khoán 10”, tính tự chủ của kinh tế nông hộ từng bước được nâng cao, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh. Tuy nhiên, đến nay kinh tế nông hộ đã phát huy hết tiềm năng của nó, bộc lộ những nhược điểm của sản xuất nhỏ, phân tán, lại khiến cho nông nghiệp nước ta tăng trưởng chậm lại.
   
  Đơn cử, theo thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp chỉ đạt 4% giai đoạn 1995 - 2000; đến giai đoạn 2000 - 2005 giảm xuống 3,7%, năm 2006 là 2,8% và năm 2007 còn 2,3%. Đặc biệt, một số cuộc khảo sát đã cho thấy, từng hộ nhỏ, lẻ rất khó khăn trong việc cung ứng các yếu tố đầu vào của sản xuất và tiếp cận thị trường đầu ra cho nông sản; khó ứng dụng công nghệ mới, khó cơ khí hóa sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, khó xây dựng thương hiệu, khó tăng sức cạnh tranh…. Những điều này dẫn tới, khả năng thâm canh rất hạn chế và năng suất lao động, năng suất cây trồng thấp, đời sống chậm được cải thiện.
   
  Theo GS.TS. Đỗ Thế Tùng, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 đã kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp, nới rộng mức hạn điền và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng khi thực thi sẽ vẫn gặp nhiều trở ngại như: Số người lao động trong ngành trồng trọt còn quá đông, phần lớn chưa qua đào tạo, nên dù thu nhập rất thấp, nhưng vẫn phải bám lấy ruộng vườn làm kế sinh nhai, chưa thể chuyển sang nghề khác. Hơn nữa, lợi ích của việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất mang lại hiệu quả thiết thực, bởi vậy, dù Luật có khuyến khích cũng chưa đẩy mạnh được hoạt động này.
   
  Một bất cập khác là không thấy điều nào quy định hạn mức sử dụng đất đối với những chủ đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ. Thậm chí để “trải thảm đỏ” mời gọi các đầu tư vào địa phương để thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế, nhu cầu đất của các nhà đầu tư được sẵn sàng đáp ứng. Và hậu quả là, trong cả nước có tới gần nửa diện tích các khu công nghiệp vẫn để trống. Còn đối với những người  đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không những chịu quy định khắt khe về mức bạn điền được giao, mức thuê hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà còn canh cánh mối lo bị thu hồi đất một khi bị điều chỉnh đất lúa hoặc phục vụ mục đích nào đó của địa phương.
   
Nhân rộng các mô hình liên kết giữa kinh tế nông hộ
   
  Để tháo gỡ những khó khăn trên GS.TS. Đỗ Thế Tùng đề xuất một số kiến nghị khi thực hiện Luật Đất đai 2013 phải tạo điều kiện để tập trung ruộng đất, bằng cách áp dụng nhiều giải pháp để rút bớt lao động khỏi lĩnh vực trồng trọt và khuyến khích họ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những cá nhân hay đơn vị kinh tế có khả năng kinh doanh nông nghiệp tốt.
   
  Đặc biệt, khi thực hiện chỉ tiêu bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng một triệu người ở nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần xác định rõ đối tượng tuyển sinh và cơ cấu ngành nghề đào tạo. Bao nhiêu người tự nguyện học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp? Bao nhiêu người sẽ vào làm ở các khu công nghiệp hay các dịch vụ phi nông nghiệp hoặc suất khẩu lao động? Nếu không có quy hoạch rõ ràng sát với nhu cầu trên thị trường lao động mà chỉ xuất phát từ khả năng sẵn có của các đơn vị đào tạo hiện nay, thì dù việc đào tạo đạt chỉ tiêu nói trên về số lượng, cũng không giúp họ tìm được việc làm, để rời khỏi ruộng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người làm ruộng giỏi.
   
  Đối với những người làm dịch vụ cho nông nghiệp (như làm đất, gặt lúa bằng máy…), Nhà nước cần hỗ trợ, như cho vay vốn ưu đãi để mua máy cày, máy gặt liên hợp những người làm dịch vụ cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản thì được miễn, giảm thuế,…
   
  Hai là, nhân rộng các mô hình liên kết giữa kinh tế nông hộ với nhau, giữa kinh tế nông hộ với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hợp tác của các nhà khoa học, như mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ở An Giang, đặc biệt là Nhà nước phải có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp hay công ty chủ trì việc xây dựng mô hình liên kết đó, như miễn tiền sử dụng đất cho diện tích xây nhà máy chế biến nông sản, kho dự trữ và nhà máy sấy, miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT),…
   
  Ba là, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn xa hơn chứ không chỉ dựa vào định hướng sử dụng đất 10 năm.
   
Trường Giang (ghi)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi Luật Đất đai 2013: Tập trung ruộng đất - đưa kinh tế nông hộ nên sản xuất hàng hóa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO