Thực thi EPR để giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Linh Chi| 25/07/2022 14:26

(TN&MT) - Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa.

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới hướng đến mục tiêu chung: Toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, Việt Nam đã triển khai chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích người tiêu dùng; Từ tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa...

Đã có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với cùng chung mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh-sạch-đẹp, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn…Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam…

19-1212-22c463abe5167650e34a68e82136d5ec.jpg

Đặc biệt, Việt nam đã xây dựng khung pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động tái chế quản lý. Luật Bảo vệ môi trường 2020, đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến 6 nhóm ngành hàng: pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ( ngày 10/1/2022) với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Có hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (thực hiện trách nhiệm tái chế) và nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải). Hiện nay Liên minh Tái chế bao bì (PRO Việt Nam) đã được thành lập để đón đầu và hỗ trợ các thành viên trong liên minh thực hiện nghĩa vụ EPR khi quy định có hiệu lực pháp luật.

Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Có thể lựa chọn 03 hình thức tự thực hiện, thuê hoặc ủy quyền thực hiện; trường hợp không tự thực hiện tái chế thì lựa chọn kê khai, nộp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế…

Với những quy định mới trong Luật BVMT 2020, EPR được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả toàn diện trên cả 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định: “Cơ chế EPR giúp tăng cường dòng tài chính và hợp tác đa bên vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc tăng tỉ lệ tái chế chất thải, bao gồm tái chế chất thải nhựa. Cơ chế EPR là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng đến. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là các nhà sản xuất và nhà tái chế, để xây dựng các quy định EPR thực tế, hiệu quả và khả thi trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhằm quản lý hiệu quả chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa ở Việt Nam”.

ERP là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. ERP được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi EPR để giảm thiểu ô nhiễm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO