Môi trường

Thực hiện trách nhiệm tái chế: Doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa hơn để bảo vệ môi trường

Phạm Oanh (thực hiện) 21/06/2023 - 19:55

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định định mức chi phí tái chế (Fs) làm căn cứ cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế. Để hiểu rõ hơn về định mức này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Đức Quảng, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội - đại diện nhóm nghiên cứu, tư vấn cho Bộ TN&MT khi xây dựng định mức Fs.

       

anh-quang.jpg
PGS. TS Nguyễn Đức Quảng, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội

PV: Theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường, chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì. Vậy, đối tượng, lộ trình và cách thức thực hiện trách nhiệm này ra sao, thưa PGS.TS Nguyễn Đức Quảng?

PGS.TS Nguyễn Đức Quảng:

Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường. Hiện nay, quy định này đã được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm như: pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Về lộ trình, từ 1/1/2024 nhà sản xuất, nhập khẩu pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và một số bao bì bắt đầu thực hiện trách nhiệm tái chế. Tiếp đến các sản phẩm điện – điện tử sẽ thực hiện từ 1/1/2025 và từ 1/1/2027 là các sản phẩm phương tiện giao thông.

Về cách thức, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, đó là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự mình thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức: F = R x V x Fs

Trong đó: F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng); R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %); V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg); Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm, bao bì thông qua 2 trách nhiệm là thu gom, xử lý và tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu như trách nhiệm thu gom, xử lý đã được thực hiện từ năm 2022 thì trách nhiệm tái chế một số sản phẩm, bao bì được thực hiện từ đầu năm 2024.

PV: Như công thức ông vừa chia sẻ, Fs là nhân tố quan trọng quyết định khoản tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng vào khi thực hiện nghĩa vụ tái chế. Vậy chúng ta xây dựng Fs dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào để vừa đúng, đủ lại hợp lý thưa PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng?

PGS.TS Nguyễn Đức Quảng:

Định mức chi phí tái chế Fs trên thực tế đã được quy định khá rõ ràng trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Có thể khẳng định, Fs được coi là xương sống trong thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đây là căn cứ để các nhà sản xuất, nhập khẩu đóng tiền thực hiện trách nhiệm tái chế. Tuy nhiên, chỉ số này sẽ thay đổi, biến động rất nhiều phụ thuộc vào hiệu quả thu gom, giá nguyên liệu đầu vào….của sản phẩm, bao bì.

Tại Việt Nam, hệ số Fs cũng có nhiều khác biệt so với các nước trên thế giới bởi hệ thống thu gom của chúng ta có nhiều đặc thù. Hiện, bao bì, sản phẩm của chúng ta phần lớn được thu gom bởi hệ thống phi chính thức. Chính vì vậy, định mức chi phí tái chế Fs đã được xây dựng dựa trên việc tính đúng, đủ, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Fs vừa là căn cứ để các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế, vừa là nhân tố khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành tái chế hiện đại, tái chế xanh tại Việt Nam.

Trên thực tế, khi bộ TN&MT xây dựng định mức chi phí tái chế Fs đã có nhiều đề xuất của các tổ chức và chuyên gia được đưa ra như: Đề xuất của các chuyên gia tổ chức IFC và WWF; Đề xuất của Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam; Đề xuất của Đại học Kinh tế Quốc dân; Đề xuất của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam PRO. Trong đó, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (IFC) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tập trung khảo sát chủ yếu ở khu vực phía Bắc; Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tập trung khảo sát chủ yếu các cơ sở khu vực phía Nam. Dựa trên các đề xuất này, Bộ TN&MT đã đưa ra dự thảo chi phí tái chế Fs phù hợp cho từng loại bao bì, sản phẩm.

buoi-tham-va-lam-viec-cua-greenhub-tai-vua-ve-chai-trong-khuon-kho-du-an-5.jpg
Định mức chi phí tái chế Fs được xây dựng đúng, đủ, phù hợp với từng sản phẩm, bao bì

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Fs mà Bộ TN&MT đưa ra tại dự thảo Quyết định là quá cao, không phù hợp với điều kiện khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, tăng gánh nặng cho người tiêu dùng. Phó Giáo sư có ý kiến như thế nào về nhận định này?

PGS.TS Nguyễn Đức Quảng:

Tôi rất chia sẻ với băn khoăn này của doanh nghiệp. Như tôi đã chia sẻ, định mức chi phí Fs như trong dự thảo được Bộ TN&NT là kết quả của quá trình dài nghiên cứu, tham vấn và khảo sát thực tế thực trạng tái chế của Việt Nam hiện nay. Định mức này đang đáp ứng các tiêu chuẩn: Đúng, đủ, phù hợp.

Ở một góc độ nào đấy, chúng ta có thể phân ra thành 2 cái nhóm chính. Một nhóm là các sản phẩm, bao bì đang được tái chế rất thuận lợi, nhóm còn lại là các sản phẩm, bao bì chưa được tái chế hoặc tái chế chưa hiệu quả.

Trong cùng 1 nhóm sản phẩm, bao bì nhưng có những sản phẩm, bao bì Fs được điều chỉnh thấp hơn nhiều so với các sản phẩm, bao bì khác. Ví dụ như chai nhựa PET, đây là sản phẩm, bao bì đang được thu gom, tái chế thuận lợi và hiệu quả nên hệ số Fs được điều chỉnh thấp hơn các sản phẩm, bao bì nhựa khác.

Trong khi đó, một số sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế nhưng không hoặc ít được tái chế vì lợi nhuận thấp như bóng đèn, bao bì giấy hỗn hợp, bao bì mềm các loại, dầu thải, săm lốp thải, máy tính bảng, bóng đèn compact, bếp điện, bếp từ, máy in, máy tính, hay các sản phẩm chưa có công nghệ tái chế tại Việt Nam như pin, sạc, phương tiện giao thông thì hệ số Fs được quy định cao để khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi vật liệu sản xuất, cũng như là đầu tư, phát triển ngành tái chế tại Việt Nam.

Hiện định mức chi phí để tạo thành sản phẩm tái chế theo các giải pháp tái chế khác nhau sẽ rất khác nhau. Mặt khác, chi phí tái chế thực tế là khác nhau giữa các cơ sở khảo sát, vì vậy, định mức đề xuất mang giá trị trung bình để có thể áp dụng chung đối với các cơ sở có đặc thù công nghệ khác nhau. Một hệ số điều chỉnh được áp dụng để xem xét đến hiệu quả của quá trình tái chế được đưa ra, theo đó, Fs đầy đủ sẽ được tính như sau:

Fs = 1.03 * a * [T + CV + Re] (VNĐ/kg sản phẩm, bao bì), trong đó:

T: Chi phí phân loại, thu gom (không bao gồm chi phí thu mua);

  • CV: Chi phí vận chuyển;
  • Re: Chi phí hoạt động tái chế;

a: Hệ số điều chỉnh (xem xét đến hiệu quả của hoạt động tái chế).

Hệ số điều chỉnh a sẽ có các giá trị lần lượt là 0,3, 0,5, 0,7 và 1.0 tương ứng với các mức độ hiệu quả khác nhau của hoạt động tái chế hiện nay.

PV: Vậy trước cách nhìn chưa có ”thiện cảm” với cách tính của nhà quản lý, ông có khuyến nghị gì để các doanh nghiệp có thể thực hiện tốt quy định Fs nói riêng và EPR nói chung một khi quy định này đến thời hạn phải thực thi?

PGS.TS Nguyễn Đức Quảng:

Trên thực tế, xây dựng định mức chi phí tái chế Fs mang tính kỹ thuật, nhưng nó cũng mang tính kinh tế và nhân văn.

Hiện tại, dự thảo định mức chi phí tái chế Fs chưa được chính thức hóa, chưa được ban hành. Hiện Bộ TN&MT vẫn đang tham vấn các bên để tìm đến một cái sự hài hòa nhất định.

Ở một góc độ khác, tôi đề nghị doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu đừng nên chỉ nhìn vào Fs mà hãy nhìn vào cái phương thức đầu tiên để thực hiện trách nhiệm tái chế đó là tự mình tổ chức tái chế. Việc đóng Fs chỉ là lựa chọn sau, thông thường thì nên áp dụng cho nhóm sản phẩm bao bì mà ít được thu gom, tái chế chính thức tại Việt Nam. Xin lưu ý là tái chế chính thức chứ không phải là tái chế làng nghề, không đảm bảo chất lượng môi trường.

Đối với các sản phẩm, bao bì đang được tái chế một cách có hiệu quả tại Việt Nam thì nhà sản xuất đừng nên nhìn vào Fs mà nên tự hỏi rằng là tại sao mình không tự tổ chức tái chế? Bởi khi nhà sản xuất, nhập khẩu tự tổ chức tái chế sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế. Hiện nay nhà sản xuất trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) đang tự thuê các đơn vị tái chế với chi phí thấp hơn rất nhiều khi đóng tiền.

Chính vì vậy, theo tôi, để thực hiện tốt quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), các doanh nghiệp trước tiên nên quan tâm tới việc tự mình tổ chức tái chế, trước khi quan tâm đến việc đóng tiền hay Fs.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện trách nhiệm tái chế: Doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa hơn để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO