Hiện nay, Long Xuyên được xem là thành phố lớn thứ 2 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau thành phố Cần Thơ.
Cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, thành phố cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả do những hạn chế của điều kiện tự nhiên lẫn những tác động tiêu cực của con người đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước dưới đất.
Ở đô thị Long Xuyên, bên cạnh nguồn nước mặt, một lượng lớn nước dưới đất đang được khai thác phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó đáng chú ý là việc khai thác nước dưới đất phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản. Kinh tế phát triển, dân số gia tăng kéo theo nhu cầu khai thác sử dụng nước dưới đất ngày càng cao.
Việc khai thác quá mức, thiếu quy hoạch khai thác bền vững, nguồn nước dưới đất đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ cho tài nguyên nước dưới đất như: suy thoái cả về số lượng và chất lượng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Xuất phát từ các vấn đề đã nêu trên, đô thị Long Xuyên được xác định là một trong 8 đô thị của toàn quốc được lựa chọn để thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II theo các Quyết đinh số: 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Quyết định số: 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn II. Đề án được quản lý bởi đơn vị chủ trì là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thực hiện từ đầu năm 2020.
Ngay sau khi nhận được Quyết định giao nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các dạng công việc thực địa của đề án và trình Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phê duyệt. Sau đó, Liên đoàn đã bắt tay ngay vào triển khai các công tác thực địa của dự án. Quá trình thực hiện, dự án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo Trung tâm, Lãnh đạo Liên đoàn, nhờ đó mà kết quả thi công các hạng mục công tác luôn đảm bảo tính hiệu quả, chính xác và đáp ứng đúng mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Liên đoàn trưởng phụ trách cho biết: “Đề án bảo vệ nước dưới đất đô thị Long Xuyên được Lãnh đạo Liên đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng điểm, do vậy Lãnh đạo Liên đoàn đã luôn tạo điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị và thời gian cho mục tiêu hoàn thành dự án với chất lượng cao nhất. Chỉ đạo, động viên CBCNVC được cử tham gia hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Liên đoàn luôn có báo cáo Trung tâm đầy đủ về tiến độ, chất lượng thực hiện và xin ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ”.
Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ nhiệm đề án cho biết: “Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là việc xác định được đặc điểm, hiện trạng các nguồn tài nguyên nước dưới đất ở khu vực Đô thị Long Xuyên trong phạm vi thực hiện đề án theo đề cương được duyệt, bao gồm toàn bộ thành phố Long Xuyên, một phần diện tích của các huyện Châu Thành và Thoại Sơn tiếp giáp với thành phố Long Xuyên bằng các công tác điều tra thực địa chuyên môn; đồng thời xác định các vấn đề của tài nguyên nước dưới đất của khu vực, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ. Do đó, ngay sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ, Liên đoàn đã lập và trình Trung tâm phê duyệt chi tiết kế hoạch thực hiện các dạng công tác điều tra, đánh giá thực địa của đề án để thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của từng dạng công tác một cách phù hợp với tình hình thực tế của khu vực thực hiện đề án”.
Theo kế hoạch được duyệt, đề án đã tiến hành triển khai một cách đồng bộ các dạng công tác thực địa chuyên ngành phục vụ đánh giá tài nguyên nước dưới đất, từ điều tra bổ sung đặc điểm các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất; đo địa vật lý xác định cấu trúc và đặc điểm mặn – nhạt của các tầng chứa nước, đến khoan, bơm nước thí nghiệm để xác định các thông số cơ bản của các tầng chứa nước trong khu vực. Nhìn chung, việc thực hiện các dạng công tác của đề án được thực hiện theo đúng thiết kế, đáp ứng mục tiêu của đề án.
Từ kết quả điều tra thực địa và các tài liệu thu thập, đề án đã tiến hành các công tác nội nghiệp, gồm tổng hợp, phân tích, đánh giá đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực đô thị Long Xuyên theo các nội dung điều tra, bao gồm đặc điểm cấu trúc, điều kiện phân bố, số lượng và chất lượng các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất nhằm đánh giá được một cách tổng thể đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực. Một số kết quả cụ thể là:
Kết quả công tác khảo sát, đo địa vật lý, khoan – hút nước thí nghiệm đã cho phép xác định được cấu trúc địa chất thủy văn của các tầng chứa nước, cụ thể: vùng đô thị Long Xuyên có mặt 07 tầng chứa nước của khu vực đô thị Long Xuyên, gồm: tầng chứa nước Holocen (qh), Pleistocen trên (qp3), Pleistocen giữa-trên (qp2-3), Pleistocen dưới (qp1), Pliocen giữa (n22), Pliocen dưới (n21) và Micocen trên (n13). Về cơ bản, các tầng chứa nước này tạo thành hệ thống chứa nước phân lớp theo chiều thẳng đứng, các tầng chứa nước được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu, đóng vai trò như mái và đáy cách nước của các tầng chứa nước. Các tầng chứa nước có xu thế vát mỏng ở phía Tây – Bắc và chìm sâu hơn ở phía Đông – Nam.
Kết quả công tác khoan – hút nước thí nghiệm thực hiện trong đề án cùng số liệu thu thập cũng đã làm sáng tỏ các thông số địa chất thủy văn; đặc điểm cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước, theo đó, về cơ bản các tầng chứa nước của khu vực đô thị đều thuộc loại các tầng chứa nước có áp. Mức độ chứa nước biến đổi trong khu vực theo xu thế chung mức độ chứa nước ở khu vực phía Đông – Đông Nam (dọc bờ sông Hậu ở phần trung tâm thành phố Long Xuyên) tốt hơn so với phía Tây và Tây – Bắc.
- Bằng các phương pháp đánh giá trữ lượng nước dưới đất khác nhau, bao gồm phương pháp giải tích và phương pháp ứng dụng mô hình đã giúp xác định được các thành phần trữ lượng nước dưới đất của khưc vực, theo đó: tiềm năng tài nguyên nước dưới đất ở đô thị Long Xuyên của toàn bộ 7 tầng chứa nước có tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là 362.800 m3/ngày (thời gian tính toán là 10.000 ngày), trong đó phần nước nhạt là 143.261 m3/ngày, chiếm 39% tổng tiềm năng nước dưới đất. Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của phần nước nhạt (M < 1,5 g/l) là 53.018 m3/ngày; trong đó, trữ lượng nước nhạt có thể khai thác của hai (02) tầng chứa nước nghiên cứu chính – cần bảo vệ (qp2-3 và n22) được xác định theo phương pháp ứng dụng mô hình số lần lượt là 21.159 m3/ngày và 21.793 m3/ngày, chiếm lần lượt 40% và 41%;
- Từ kết quả lấy và phân tích mẫu nước của đề án, kết hợp với tài liệu thu thập về chất lượng nước của khu vực và việc so sánh kết quả tổng hợp từ nguồn tài liệu này với các thông số giới hạn theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT đã cho phép đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất của khu vực. Nhìn chung, nước dưới đất của nhiều tầng chứa nước khu vực đô thị Long Xuyên có diện tích nhiễm mặn chiếm phần lớn diện tích nghiên cứu, nước ở phần diện tích nước nhạt cũng bị ô nhiễm một số chỉ tiêu về hợp chất nitơ. Ngoại trừ hai tầng chứa nước Pleistocen giữa – trên (qp2-3) và tầng chứa nước Plicocen giữa (n22) có diện tích phần nước nhạt chiếm tỷ lệ đáng kể, chất lượng nước cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu về sử dụng cho ăn uống sinh hoạt và một số mục đích khác. Đó là lý do, hai tầng chứa nước này được xác định là các tầng chứa nước chính cần bảo vệ của đô thị Long Xuyên. Đặc biệt, tầng chứa nước Pliocen giữa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt;
- Về hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đề án đã tổng hợp toàn bộ hiện trạng tài nguyên nước dưới đất đang được khai thác, sử dụng tại vùng đô thị Long Xuyên. Hiện tại đang có tổng số 538 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 10.410 m3/ngày. Trong đó, có tổng số 32 công trình khai thác tập trung quy mô lớn với tổng lưu lượng khai thác 8.850 m3/ngày; 11 công trình khai thác đơn lẻ với tổng lưu lượng 280 m3/ngày; 495 công trình khai thác nông thôn với tổng lưu lượng 1.280 m3/ngày. Theo đơn vị hành chính, thành phố Long Xuyên có tổng lượng khai thác 9.556 m3/ngày, chiếm 92%; huyện Châu Thành khai thác 606 m3/ngày, chiếm 6%; huyện Thoại Sơn khai thác 248 m3/ngày, chiếm 2%. Các tầng chứa nước khai thác chính là tầng chứa nước Plicocen giữa với tổng lưu lượng 8.491 m3/ngày (chiếm 82%); các tầng chứa nước còn lại khai thác với tổng lưu lượng 1.919 m3/ngày (chiếm 18%);
- Về hiện trạng các nguồn xả thải và nguy cơ gây nhiễm bẩn các nguồn tài nguyên nước: đã tổng hợp được 05 nguồn thải, gồm: 03 bãi chôn lấp rác thải và 02 nghĩa trang; trong đó có 01 nguồn có nguy cơ cao, 01 nguồn có nguy cơ trung bình và 03 nguồn có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, các nguồn thải này cũng được đánh giá là ít có nguy cơ gây ô nhiễm cho các tầng chứa nước chính cần bảo vệ, vì chúng là các tầng nước có áp nằm sâu, được ngăn cách với bề mặt bởi nhiều lớp cách nước hoặc thấm nước yếu có bề dày đáng kể ở phía trên tầng chứa nước.
Trên cơ sở các đặc điểm của hệ thống tài nguyên nước đã điều điều tra, đánh giá như nêu trên, đề án đã tiến hành việc phân tích, đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên nước này và xác định được các vấn đề cần bảo vệ của các tầng chứa nước chính. Các vấn đề cần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất là nguy cơ nhiễm mặn và cạn kiệt (tại một số vùng khai thác nước tập trung quy mô lớn). Các tầng chứa nước cần bảo vệ gồm tầng chứa nước Pleistocen giữa – trên (qp2-3) và tầng chứa nước Pliocen giữa (n22), cụ thể:
- Cạn kiệt nước dưới đất: Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen giữa - trên (qp2-3) có chiều sâu mực nước động (tính từ mặt đất) lớn nhất là 5,3 m, do đó, toàn bộ tầng chứa nước này được phân là vùng có nguy cơ cạn kiệt rất thấp (chưa có nguy cơ cạn kiệt). Đối với tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pliocen giữa (n22): Kết quả điều tra cho thấy, mực nước động lớn nhất đối với tầng chứa nước này là 14,0m, nhỏ hơn trị số chiều sâu mực nước động cho phép theo quy định.
Như vậy tầng chứa nước Pliocen giữa (n22) chưa bị cạn kiệt. Đánh giá nguy cơ cạn kiệt tầng chứa nước Pliocen giữa (n22) cho kết quả: tầng chứa nước Pliocen giữa (n22) được phân làm 03 vùng có mức nguy cơ cạn kiệt gồm rất thấp đến thấp (chưa có nguy cơ cạn kiệt), và trung bình. Vùng có nguy cơ cạn kiệt trung bình (nguy cơ cao nhất của khu vực nghiên cứu) trùng với vị trí phân bố các công trình khai thác nước lớn tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Điều này đã phản ánh vấn đề cạn kiệt nước dưới đất trên địa bàn đô thị Long Xuyên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi mức độ khai thác nước dưới đất tại từng khu vực. Vùng có nguy cơ cạn kiệt (mức nguy cơ trung bình) của tầng chứa nước Pliocen giữa (n22) phân bố ở trung tâm thành phố Long Xuyên kéo xuống phía Đông Nam vùng đô thị.
- Nhiễm mặn nước dưới đất: Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen giữa - trên (qp2-3) có phần diện tích bị nhiễm mặn phân bố thành một dải liên tục, bao quanh rìa ngoài ở các hướng Đông, Nam và Tây của đô thị, với tổng diện tích là 107,3km2, chiếm 43,6% tổng diện tích phân bố của tầng chứa nước trong phạm vi nghiên cứu. Về nguy cơ nhiễm mặn, tầng chứa nước qp2-3 trong phạm vi đô thị Long Xuyên được phân chia thành 3 vùng có nguy cơ nhiễm mặn khác nhau, cụ thể: vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao phân bố thành 3 vùng nhỏ riêng biệt dạng dải hẹp dọc theo ranh giới nhiễm mặn (hiện trạng) của tầng chứa nước với tổng diện tích 7,3km2; vùng có nguy cơ nhiễm mặn trung bình phân bố ở trung tâm và phía Nam vùng nghiên cứu với tổng diện tích 78,0km2; vùng có nguy cơ nhiễm mặn thấp phân bố ở trung tâm vùng nghiên cứu với tổng diện tích 51,8km2.
Đối với tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pliocen giữa (n22): Phần diện tích bị nhiễm mặn phân bố tại khu vực phía Bắc và Tây - Bắc của đô thị với tổng diện tích nhiễm mặn là 69,7km2, chiếm 28,3% tổng diện tích phân bố của tầng chứa nước trong phạm vi nghiên cứu. Về nguy cơ nhiễm mặn, tầng chứa nước n22 trong phạm vi đô thị Long Xuyên được phân chia thành 03 vùng có nguy cơ nhiễm mặn khác nhau, cụ thể: vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao phân bố dạng dải ở phía Đông Bắc vùng nghiên cứu dọc theo ranh giới nhiễm mặn của tầng chứa nước n22 thuộc xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) với diện tích 2,4km2; vùng có nguy cơ nhiễm mặn trung bình phân bố phần lớn ở phía Đông vùng nghiên cứu và theo dạng dải hẹp dọc theo ranh giới nhiễm mặn của tầng chứa nước với tổng diện tích 78,1km2; vùng có nguy cơ nhiễm mặn thấp phân bố ở trung tâm và phía Nam vùng nghiên cứu với tổng diện tích 91,3km2.
Ông Vũ Mạnh Hải khẳng định: “việc Long Xuyên được chọn là một đô thị thành phần của đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn II đã cho thấy sự đúng đắn, cần thiết. Việc thực hiện đề án đã đạt được mục tiêu đề ra. Đề án đã tổng rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn nghiên cứu đô thị Long Xuyên từ trước đến nay, đồng thời tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước dưới đất ở đô thị này. Kết quả của đề án đã cho phép có được những hiểu biết đúng đắn và đầy đủ vệ hệ thống tài nguyên nước dưới đất về cấu trúc; số lượng và chất lượng các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác sử dụng và các vấn đề có liên quan khác. Kết quả đánh giá về hiện trạng tài nguyên NDĐ có độ tin cậy cao, phù hợp với những hiểu biết chung về khu vực”.
Từ những hiểu biết về hệ thống chứa nước của khu vực đô thị Long Xuyên đã cho phép xác định được các vấn đề chính cần bảo vệ đối với tài nguyên nước dưới đất của khu vực. Các hiểu biết này sẽ cho phép đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
Ông Vũ Mạnh Hải cũng cho biết thêm, các giải pháp bảo vệ nước dưới đất của đô thị Long Xuyên sẽ được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, các nhà khoa học tiến hành xem xét, đánh giá, góp ý. Trên cơ sở đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung sẽ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi bàn giao cho địa phương để ứng dụng. Đồng thời, ông cũng tiết lộ, những giải pháp bảo vệ này sẽ được sớm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu quả thực hiện của dự án, cũng như cho phép các giải pháp này có thể được xem xét, ứng dụng tại các khu vực khác của toàn quốc có điều kiện tương tự về tài nguyên nước như khu vực đô thị Long Xuyên.