Với các giải pháp đồng bộ triển khai trong Quy hoạch, Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi các con sông trong nội đô, người dân đô thị mong chờ trong tương lai gần, những dòng sông sẽ xanh trở lại.
TS Hoàng Văn Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam:
4 giải pháp hiện thực hóa mục tiêu “hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm
Chính quyền và người dân đô thị đều có chung quan điểm ủng hộ chủ trương cải tạo các sông trong nội đô bởi chúng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với việc đưa ra giải pháp "hồi sinh" các dòng sông ô nhiễm.
Để hiện thực hóa mục tiêu “hồi sinh” các dòng sông bị ô nhiễm trong Quy hoạch tài nguyên nước đòi hỏi triển khai các giải pháp phải đồng bộ từ nhiều ngành, địa phương, quy hoạch có liên quan đến nhau. Như nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến và thành công giúp sông ngòi đỡ ô nhiễm hơn.
Thêm vào đó, các giải pháp cải tạo sông nội đô trong Quy hoạch tài nguyên nước phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa.
Tuy nhiên, dù cải tạo thế nào thì cũng phải làm cho những dòng sông này có dòng chảy, bởi quy luật tất yếu của các dòng sông là phải có dòng chảy. Vì vậy, phải có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông; đưa nước sạch vào tạo dòng chảy, tạo cảnh quan cho sông,…
Truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ các dòng sông cũng rất quan trọng, bởi khi những con sông này được cải tạo sạch sẽ thì những người hưởng lợi đầu tiên là những người dân sống ở hai bên bờ sông, từ đó người dân nhận thấy rõ những lợi ích và có động lực giữ gìn dòng sông sạch hơn.
PGS,TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ):
Cần sớm hoàn thành kiểm kê tài nguyên nước phục vụ quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL
Hiện nay, có nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên nước ảnh hưởng đến sinh cảnh, sinh khối, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL. Thứ nhất, hơn 80% lượng nước đi tới vùng ĐBSCL là lượng nước xuyên biên giới, bắt nguồn từ nước ngoài. Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho điều kiện thủy văn bất thường hơn, xâm nhập mặn gia tăng. Thứ ba, tác động của con nước làm cho chất lượng nguồn nước cũng như sự phân phối nguồn nước có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Bên cạnh đó, mỗi con sông có nhiều chức năng nhưng chưa có sự liên kết giữa các ngành trong việc quản lý các chức năng này, đồng thời chưa có sự phân chia vùng nước cho các địa phương khác nhau sử dụng, chưa có sự trao đổi, chia sẻ nguồn nước giữa địa phương đầu nguồn, giữa nguồn và cuối nguồn dòng sông.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, cần phải có một “nhạc trưởng” để thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước vùng ĐBSCL. Mặt khác, quy hoạch phát triển các địa phương phải thực hiện thống nhất theo quy hoạch cấp vùng, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước.
Cùng với đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần sớm hoàn thành kiểm kê tài nguyên nước, đây là cơ sở quan trọng trong việc đánh giá hiện trạng nguồn nước; khai thác, sử dụng nguồn nước; chất lượng nguồn nước, để từ đó xác định thời gian tới sẽ phân chia sử dụng nguồn nước như thế nào cho phù hợp với quy hoạch phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế của mỗi địa phương trong vùng cần phải phù hợp với quy hoạch nguồn tài nguyên nước; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hệ sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ; siết chặt công tác quan trắc chất lượng nguồn nước thải ra các tuyến sông, kênh rạch, đặc biệt là nguồn nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị;…
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia:
Phục hồi nguồn nước bằng các giải pháp công trình và phi công trình
Ngày 6/2/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý trong Quy hoạch là mục tiêu hướng tới phục hồi nguồn nước, cải tạo cảnh quan môi trường các dòng sông bị suy ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt như: sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải thực hiện cả giải pháp công trình và phi công trình.
Theo đó, giải pháp công trình gồm cải tạo hệ thống công trình đầu mối gồm, cống Vân Cốc, Đập Đáy và nạo vét sâu toàn bộ lòng dẫn sông Đáy; xây dựng cống Vân Cốc thay thế cống Vân Cốc cũ và Đập Đáy, nạo vét sông Đáy từ Vân Cốc đến Phủ Lý; Nghiên cứu tính khả thi trong việc tiếp nguồn cho sông Đáy từ sông Tích thông qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức với lưu lượng khoảng 20 m3/s.
Các giải pháp phi công trình như: kiểm soát các nguồn thải, không để tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước các sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Thương nghiệm trọng hơn. Kết hợp các giải pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước, đáy sông và chuyển nước giữa các sông để khôi phục chất lượng nước, dòng chảy, cảnh quan môi trường trên các sông. Đồng thời, sớm hoàn thành các nhiệm vụ: Điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.
TS. Lê Hùng - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng):
Chia sẻ tài nguyên chung hợp lý, đầu tư thu hút nguồn nhân lực cao
Xâm nhập mặn ngày càng sâu vào hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn gây tác động xấu tới chất lượng nước, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để quản lý hiệu quả nguồn nước ở lưu vực này, theo tôi, cần phải tăng cường cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước theo quy định. Bên cạnh đó, tiến hành quy hoạch khai thác và sử dụng nước trên lưu vực sông hợp lý.
Cụ thể, trong mùa kiệt, cần xem xét lại, lựa chọn thời gian đóng đập Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện để ngăn dòng chảy từ sông Thu Bồn qua Vĩnh Điện, hạn chế việc hằng năm tại Cầu Đỏ mặn xâm nhập sớm sau khi đập Tứ Câu không hoạt động. Đồng thời, nên xem xét lại quá trình điều tiết các hồ chứa dựa trên nhu cầu lấy nước thực tế ở hạ lưu cũng như việc điều tiết trong trường hợp có hoặc không ảnh hưởng xâm nhập mặn. Giám sát chặt chẽ các hồ sông Bung 4A, 5, 6 vận hành phát điện đảm bảo duy trì số giờ phát điện theo Quy trình liên hồ 1865/QĐ-TTg để đảm bảo dòng chảy ở hạ lưu được duy trì liên tục.
Việc xây đập tại ngã ba sông Quảng Huế (tháng 4/2021) cũng là một trong những nguyên nhân làm biến động lớn dòng chảy sông Quảng Huế, trong khi phương án đập dạng kè hướng dòng này đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo không lựa chọn. Do đó, cần có nghiên cứu tính toán kỹ, cần lấy ý kiến các nhà khoa học khi quyết định xây dựng các công trình cản trở dòng chảy.
Cuối cùng là giải pháp về con người, cần có cơ chế đãi ngộ phù hợp cho lĩnh vực phòng chống thiên tai để có cơ sở thu hút nguồn nhân lực cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thu hút sinh viên giỏi vào học những ngành này để trong tương lai có được nguồn nhân lực tốt.
Ông Vũ Đình Thủy - Phó Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Lào Cai:
Đầu tư hệ thống quan trắc bảo vệ sông
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ các dòng sông trên địa bàn trước suy thoái và ô nhiễm, những năm qua, Lào Cai đã đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát đối với các nguồn nước chính có vai trò quan trọng phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, các hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước…
Theo đó, ngành TN&MT Lào Cai đã đầu tư xây dựng và vận hành 6 trạm quan trắc tài nguyên nước tự động liên tục, dự kiến giai đoạn 2020 - 2025, sẽ đầu tư xây dựng thêm 4 trạm.
Về quản lý hoạt động xả thải, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp 74 giấy phép xả thải vào nguồn nước. Quá trình thẩm định hồ sơ, cơ quan thẩm định luôn xem xét, đánh giá kỹ các yếu tố và khả năng ảnh hưởng của công trình khai thác, xả nước thải đối với tài nguyên nước mặt, nước dưới đất của khu vực.
Vấn đề an ninh nguồn nước đối với nguồn nước liên quốc gia (sông Hồng, sông Chảy) có vai trò rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và các tỉnh hạ du sông Hồng. Nhận thức được vấn đề này, Lào Cai đã chủ động đề xuất các bộ, ngành và Chính phủ thành lập Ủy ban lưu vực sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của 2 quốc gia.
Tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung này vào trao đổi, đề xuất hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, Sở TN&MT Lào Cai thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng, lưu lượng nước sông Hồng, trường hợp xảy ra các hiện tượng bất thường, chủ động báo cáo ngay Bộ TN&MT cùng các tỉnh hạ du sông Hồng để có phương án xử lý.