Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước và năng lượng khu vực Mê Công

30/11/2017 00:00

(TN&MT) - Chương trình Kết nối Lưu vực Mê Công bao gồm Trung tâm Stimson phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), Trường Đại học California Berkeley, Học viện Ngoại giao tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long”, tối ngày 29/11, tại TP.HCM.

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hội thảo và tọa đàm sẽ được tổ chức từ ngày 29/11 đến 2/12 TP.HCM và Cần Thơ với nguồn vốn hỗ trợ của Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồ Chí Minh, Quỹ Chino Cienega và Chương trình Ngoại giao nguồn Nước của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy sỹ (SDC) thông qua Dự án “Xây dựng Đối thoại và Quản trị các Dòng Sông”.

Mục tiêu chính của hoạt động này nhằm thúc đẩy cách tiếp cận quy hoạch tổng thể nước và năng lượng với sự tham gia của bên bên liên quan tại Mê Công; kết nối và chia sẻ thông tin giữa các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan tại Việt Nam trong hợp tác nước – năng lượng xuyên biên giới; cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và các bên liên quan về các cơ hội và các công cụ có thể áp dụng trong quy hoạch để tối ưu hóa việc sử dụng nước – năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Ông Brian Eyler (trái) Trung tâm Stimson Center điều hành thảo luận tại tọa đàm.
Ông Brian Eyler (trái) Trung tâm Stimson Center điều hành thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: IUCN

Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) là nơi sinh sống của hơn 18 triệu dân, sản xuất hơn nửa sản lượng lúa của Việt Nam và cung cấp 75% lượng hoa quả và nguồn lợi thủy sản cho cả nước. Tuy nhiên, năng suất nông nghiệp của Đồng bằng phụ thuộc rất nhiều và nguồn phù sa và dinh dưỡng thường xuyên mà dòng sông Mê Công đem đến. Và, các dự án phát triển thủy điện ở thượng nguồn đang gây ra những tác động đe dọa đến chu trình luân chuyển này.

Trong khi đó, Chính phủ Lào đang đặt ra mục tiêu phát triển trọng tâm đưa quốc gia này trở thành “Bình ác quy của Đông Nam Á”. Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định chính sách tiến hành xây dựng nhiều dự án thủy điện mới nhưng lại thiếu một quy hoạch chiến lược ở cấp lưu vực. Điều này sẽ khiến Lào không những sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu như mong muốn mà còn gây ra các tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở hạ lưu tại Việt Nam và Campuchia.

Bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao từ phía Việt Nam, Chính phủ Lào hiện đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn trên dòng chính của sông Mê Công và đang tiến hành tham vấn để xây dựng đập thứ ba. Đồng thời, Lào và Campuchia đang lên kế hoạch xây dựng hơn 130 con đập lớn (công suất trên 50MW) trên các dòng nhánh của sông Mê Công vào 2030.

Bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao từ phía Việt Nam, Chính phủ Lào hiện đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn và tham vấn để xây dựng đập thứ ba trên dòng chính của sông Mê Công và
Bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao từ phía Việt Nam, Chính phủ Lào hiện đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn và tham vấn để xây dựng đập thứ ba trên dòng chính của sông Mê Công. Ảnh: Quốc Việt

Với vị thế vừa là quốc gia phát triển thủy điện ở thượng nguồn tại lưu vực sông 3S (Sê San, Srêpôk và Se Công) và cũng là  nạn nhân hạ nguồn chịu tác động từ việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch, Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của Lào và Campuchia cùng tham gia tiếp cận quản lý tổng hợp nước và năng lượng một cách chiến lược, góp phần giảm tổng số lượng đập trong tương lai ở lưu vực sông Mê-Công.

Lượng điện tiêu thụ của Việt Nam đang gia tăng ở mức 10 -12 % một năm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, mỗi năm nước ta cần thêm 7-10% điện năng từ nay đến 2030. Việt Nam không có đủ nguồn tài nguyên trong nước để đáp ứng được nhu cầu này, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có thể trở thành thị trường tiêu thụ điện lớn nhất từ Lào và Campuchia. Các thỏa thuận mua điện thường đóng vai trò quyết định trong việc dự án nào được triển khai; nhờ đó, chúng ta sẽ có lợi thế hơn khi thương lượng với các quốc gia láng giềng trong việc phát triển sản xuất năng lượng.

Ngoài ra, các sáng kiến ngoại giao của Việt Nam đang kết nối với Lào và Campuchia, và các quan hệ chiến lược mới với các các đối tác bên ngoài như Hoa Kỳ sẽ tạo là nhân tố tạo sự thay đổi về mặt thể chế góp phần tăng cường đối thoại cấp khu vực.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy quản lý tổng hợp tài nguyên nước và năng lượng khu vực Mê Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO