Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Công cuộc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thông qua các sáng kiến, nỗ lực cụ thể. Trong số đó, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Theo Quỹ Ellen MacArthur, KTTH không chỉ là thiết kế ở góc độ sản phẩm, hay cơ sở sản xuất kinh doanh mà theo nghĩa rộng nó bao gồm cả việc thiết kế sự vận hành của cả một nền kinh tế của quốc gia, địa phương nhằm hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường do các hoạt động kinh tế, dân sinh gây ra. Tất cả những điều này để hiện thực hóa đều phải dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá, phát triển là vấn đề cốt lõi. Chính vì vậy, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần thực hiện hóa KTTH ở Việt Nam, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới.
Theo ông Nguyễn Duy Thái – Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam, ở các nước có nền kinh tế xã hội phát triển, đổi mới sáng tạo tập trung nhiều vào hoạt động phát triển khoa học công nghê. Ở Việt Nam, hoạt động đổi mới sáng tạo có sự khác biệt, tập trung thêm vào một số nội dung về đổi mới sáng tạo trong các mô hình kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong việc tạo nguồn lực ban đầu, thúc đẩy các mô hình kinh tế và doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã thảo luận về cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam về áp dụng kinh tế tuần hoàn, các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy ứng dụng KTTH và tác động của chính sách về KTTH tại địa phương. Đa số các ý kiến đều cho rằng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và thực hiện các cam kết tại COP26 về ứng phó với BĐKH, giảm thiểu các tác động xấu và rủi ro trong quá trình phát triển đòi hỏi việc xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo hướng đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện KTTH của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, KTTH và kinh tế số là xu hướng phát triển chiến lược. Trong xu hướng này KTTH sẽ dần trở thành KTTH số. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang có sự “lệch nhịp” giữa phát triển kinh tế số và quá trình số hóa KTTH. Do đó, cần gắn kết chúng với nhau để tiến tới hội nhập KTTH số với kinh tế số bằng một số giải pháp như tăng cường nhận thức về KTTH số cùng với kinh tế số, nhất là đối với doanh nghiệp; tạo dựng hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển KTTH và kinh tế số; kết nối xây dựng nền tảng số kinh tế số và KTTH; phát triển công nghiệp môi trường dựa trên nền tảng số.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày liên quan đến khung chính sách và pháp lý để phát triển nền kinh tế tuần hoàn; đề xuất giải pháp chính sách để phát huy vai trò của ngành công nghiệp môi trường trong thực hiện KTTH tại Việt Nam; thực trạng và giải pháp thúc đẩy KTTH của thành phố Đà Nẵng; phát triển nông nghiệp theo định hướng KTTH tại Bình Phước; gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở Việt Nam; ứng dụng cách tiếp cận nhìn trước (foresighting) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình KTTH ở Việt Nam.