Lượng bùn lớn, biết thải đâu cho hết?
Theo tìm hiểu của PV, ở vùng biển Chân Mây đã và đang triển khai thi công 3 dự án, đó là Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, gói thầu số 14; Dự án Bến số 3 - cảng Chân Mây và Dự án Bến số 2 - cảng Chân Mây.
Mỗi dự án dự kiến phải nạo vét trên dưới một triệu khối bùn thải, với 3 dự án có khoảng gần 3 triệu khối, trong khi ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa có quy hoạch bãi tập kết bùn thải, đất thải.
Phương án hút bùn thải lên bờ cũng gặp không ít khó khăn về xử lý môi trường, bãi tập kết... Phương án để xin nhấn chìm ngoài biển càng khó khăn hơn khi phải qua nhiều khâu, cần có ý kiến chấp thuận của Bộ TN&MT, Cục Hàng hải Việt Nam và phải xin Bản đồ Hải quân để xác định vị trí cần nhấn chìm. Muốn hoàn thành thủ tục phải kéo dài gần cả năm. Điều này khiến các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn phải “loay hoay” tìm phương án thuận lợi, rút ngắn thời gian.
Dự án Bến số 3 - cảng Chân Mây có chiều dài 270m, với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào...
Bà Doãn Thị Hằng - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế thông tin, dự kiến Dự án bến số 3 sẽ nạo hút đưa lên bờ hơn 1,2 triệu khối bùn. Ban đầu Nhà đầu tư dự hút khoảng 500 khối bùn để tôn tạo bến cảng làm bãi lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, qua khảo sát địa chất trong khu vực độ sâu âm 24m mới có cát, những hạng mục thi công ở độ sâu từ 12-14m lại toàn bùn nhão, lõng không thể xử lý nên không thể sử dụng được.
“Nhà đầu tư dự kiến sẽ chở cát từ Quảng Ngãi ra để tôn tạo bến cảng làm bãi lưu thông hàng hóa. Qua làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã cho phép nhà đầu tư đổ thải vào khu đất ở gần cầu Mỹ Vân (xã Lộc Vĩnh) cách cầu cảng khoảng 2-3 km, trên diện tích khoảng 27 ha...”- bà Hằng nói.
Được biết từ khi khởi công đến nay, nhà đầu tư cứ loay hoay tìm phương án đổ bùn thải khiến chậm triển khai việc nạo vét bến số 3, dự án chậm tiến độ UBND tỉnh cũng đang yêu cầu đẩy nhanh...
Trong khi đó, Dự án Bến số 2- cảng Chân Mây do Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 280m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng đến 50.000DWT, bao gồm: Bến có chiều dài 225m, rộng 32,5m, 02 cầu dẫn, khu đậu tàu có kích thước 260x100, độ sâu -14m, vũng quay tàu có đường kính 340m độ sâu -13,5m, Kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi và đường bãi trong cảng với diện tích 4,92ha; Các công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật...
Dự án Bến số 2 - cảng Chân Mây sẽ hút khoảng 800 ngàn khối bùn thải. Phương án xử lý cũng bằng cách xây bờ kè cao khoảng 2,5m, trên diện tích 3ha ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên 10ha. Phương án sẽ cho hút bùn vào bờ bao rồi xử lý bằng phụ gia và lớp chống thấm khi bùn khô sẽ làm bãi lưu thông hoàng hóa.
Vẫn lo ngại gần một triệu mét khối bùn ở Dự án Đê chắn sóng
Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2018 đến 2020 với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng, do Ban Quản lý khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư.
Chiều dài đê 450 mét, thân đê bằng đá phủ bê tông. Việc nạo bùn từ đáy biển ở độ sâu 10- 12 mét lên đổ vào đất liền là công đoạn đầu, từ đó sẽ đổ vật liệu xuống tạo phần đáy đê. Khối lượng bùn biển và cát đưa lên bờ khoảng 870.000 mét khối được đổ vào phần đất nguyên trước đây là bờ biển cũ theo quy hoạch. Có 2 khu đất chứa bùn với diện tích 40 hecta.
Vừa qua Báo Tài nguyên & Môi trường cũng đã phản ánh, nhà thầu cứ hút bùn thải mà không qua xử lý, tập kết vào các hồ rộng lớn trước đây của người dân nuôi trồng thủy sản trở thành một vùng đầm lầy bị nhiễm mặn, đen sì.
Xung quanh không có rào chắn, chỉ có một số biển cảnh báo nguy hiểm. Không có bờ bao xung quanh. Gần đó, rất nhiều cây dương, tràm... bị bùn nhiễm mặn nhấn chìm và dần chết khô. Một số chòi canh thủy sản của người dân cũng bị bùn thải bao vây. Chuồng trại, am miếu thờ tín ngưỡng đang dần dần bị phủ lấp đầy.
Dự án còn ảnh hưởng hệ thống lưới điện, ngập úng cục bộ... nhưng chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa có phương án xử lý khiến người dân rất bức xúc. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt ở xã Lộc Vĩnh.
Những ngày đầu tháng 8, PV về lại cảng Chân Mây nhưng hiện trường nạo hút bùn vẫn không khác là mấy, ở bãi tập kết nhiều điểm bùn vẫn còn sình lầy. Ở khu vực bãi tập kết bùn thải chủ đầu tư đang yêu cầu nhà thầu tổ chức đào, đắp bờ bao xung quanh để tạo kênh mương thoát nước...
Ông Nguyễn Xuân Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, qua các buổi tiếp xức cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, người dân đã yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế- công nghiệp tỉnh sớm kiểm tra, trả lời nguyên nhân tôm chết do ô nhiễm, hay dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay đã 2 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời và nguyên nhân tôm chết vẫn chưa xác định được khiến người dân bức xúc, lo lắng. Cùng với đó là việc có thêm các dự án khác đang triển khai khiến nỗi lo ô nhiễm môi trường ngày càng lớn...
Ban Quản lý Khu Kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Vĩnh và các cơ quan liên quan khác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, đảm bảo tuân thủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ TN&MT giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vượt thẩm quyền...