Thừa Thiên Huế: Vật liệu không nung chưa đi vào cuộc sống

25/11/2013 00:00

(TN&MT) - Vì mục tiêu bảo vệ môi trường, chủ trương sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung đã được xây dựng cách đây hơn 2 năm.

(TN&MT) - Vì mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên đất sét không tái tạo, chủ trương sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung đã được xây dựng cách đây hơn 2 năm. Thông tư 09 quy định bắt buộc và khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2013 cũng được Bộ Xây dựng ban hành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các công trình xây dựng ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa dùng đến.
   
Tuy sản lượng thấp hơn so với những năm trước,
nhưng gạch tuynel nung đất sét vẫn đang chiếm lĩnh thị trường
           
Vẫn chưa chuyển biến
   Cả nước hiện tiêu thụ từ 20 đến 22 tỷ viên gạch một năm. Riêng địa bàn Thừa Thiên Huế mỗi năm tiêu thụ khoảng 200 triệu viên gạch. Với mật độ xây dựng ngày càng tăng cao, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng trên địa bàn tỉnh ước tính sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Theo tính toán, cứ 100 triệu viên gạch thì cần một lượng đất khoảng 200.000m3. Nếu kéo dài phương thức sản xuất này thì không bao lâu nữa, những mỏ đất đồi, sét sẽ bị xóa sổ. Nhằm mở ra một hướng đi mới cho ngành vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 và Chỉ thị số 10 ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.
   
  Chương trình đã được phê duyệt, Thông tư hướng dẫn cũng đã có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay, hầu hết từ khối xây dựng dân dụng cho đến các công trình nhà nước vẫn chưa hề sử dụng VLXKN vào thi công. Nguyên nhân là do thói quen dùng gạch nung của người tiêu dùng, giá thành sản phẩm gạch không nung còn cao hơn so với gạch đất sét nung do phí vận chuyển từ các nơi khác về, các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung nên chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có kết quả thẩm định chất lượng chính thức, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng...
   
Gạch sét nung vẫn là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng
   
  Qua trao đổi với một số cán bộ trong ngành xây dựng, họ cho rằng để thực hiện theo lộ trình Thông tư 09 của Bộ Xây dựng, muốn đưa VLXKN vào xây dựng trong các công trình có vốn ngân sách nhà nước đòi hỏi phải thay đổi lại thiết kế dự án để đảm bảo tính pháp lý. Nhưng đến nay, thị trường cung ứng thiếu, chất lượng, giá thành các loại gạch không nung vẫn chưa được công bố cụ thể. Vì vậy, các đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu không có cơ sở để làm dự toán cũng như thẩm định công trình. Điều này vô hình chung đã gây trở ngại cho cả đôi bên, giữa cung và cầu.
   
Tính ưu việt của việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung là không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất, tận dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu nung như than, củi, dầu DO, góp phần bảo vệ môi trường, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình…
    
   
  Tình hình sản xuất và tiêu thụ các loại gạch không nung đang cho thấy những bất cập. Thực tế thời gian qua, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có một số đơn vị tiên phong đón đầu và cho ra đời sản phẩm gạch không nung siêu nhẹ. Song, do thị trường không chuộng nên đến nay, lượng sản phẩm này vẫn trong tình trạng tồn kho. Một số ý kiến trong ngành cho rằng, cho đến nay, chất lượng gạch không nung được các đơn vị phía Bắc, phía Nam sản xuất ra vẫn chưa được kiểm định về chất lượng. Hơn nữa, với điều kiện thời tiết như ở miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng và tâm lý, thói quen sử dụng của người dân thì sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ trên thị trường.

Nhà sản xuất “rục rịch”
  Để chạy kịp với thời cuộc và thực hiện theo đúng chủ trương đề ra, năm 2012, ông Nguyễn Văn Thiên- Giám đốc Công ty CP Gạch Tuynel Huế đã có chuyến thăm dò tại một số cơ sở sản xuất gạch không nung ở T.P Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Văn Thiên, để đầu tư một dây chuyển sản xuất gạch không nung mới cần khoảng 12 tỷ đồng. Nhưng nếu đã có mặt bằng, cơ sở hạ tầng, điện, nước thì chi phí đầu tư thấp hơn. Công suất một máy sản xuất gạch không nung đạt khoảng 7 triệu viên/năm và có thể sản xuất mang tính hộ cá thể với số lao động chỉ cần khoảng 12 người. Gạch không nung, hay nói nôm na là gạch xi măng cốt liệu chiếm tỷ trọng 50% là ximăng và bột đá. Sau khi thử nghiệm độ chống thấm gạch không nung bằng cách ngâm nước trong vòng 2 ngày, ông Thiên nhận thấy, trọng lượng một viên gạch không nung cùng kích cở tăng lên và nặng hơn trọng lượng một viên gạch nung khoảng 1,3 lần.
   
Mẩu gạch không nung được Công ty cổ phần Gạch Tuynel Huế
làm thử nghiệm tại nhà máy sản xuất ở T.P Hồ Chí Minh
   
  Ông Hoàng Trường Thắng- Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch Tuynel số 1 Thừa Thiên Huế thẳng thắn cho rằng, vấn đề đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất gạch không nung là không khó, nhưng quan trọng là sản phẩm sản xuất ra liệu có được người dân tin tưởng tiêu thụ. Mặt khác, nếu nói sản xuất gạch không nung hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu sét, thì ngược lại, để sản xuất gạch không nung đòi hỏi phải dùng xi măng, bột đá, phế thải công nghiệp và chất phụ gia. Trong khi đó, một số nguyên liệu như bột đá phải khai thác từ thiên nhiên, phế thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh không ổn định, thậm chí là rất ít và chất phụ gia phải mua từ nước ngoài về. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các đơn vị sản xuất. Nên, trong thời gian này, đơn vị vẫn tạm thời thăm dò, tiếp cận, đợi đến lúc nào gạch không nung được cấp chứng chỉ đạt chất lượng hẳn hoi và được “thực tế” kiểm định thừa nhận thì lúc đó chắc chắn đơn vị sẽ đầu tư để kịp xu thế phát triển và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
   
  Thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập huấn, thông báo đến các đơn vị sản xuất về chủ trương sản xuất gạch không nung của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Một số đơn vị sản xuất đang tiếp cận, thăm dò, nghiên cứu công nghệ có chất lượng sản phẩm tốt, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, giá thành thấp và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất. Đón đầu chủ trương này, Công ty CP Kinh Doanh nhà Thừa Thiên Huế cũng đang xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống sản xuất gạch không nung để phục vụ “khép kín” xây dựng các công trình thuộc vốn đầu tư Nhà nước. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Long Thọ cũng đang có hướng nghiên cứu, đầu tư mới dây chuyền sản xuất gạch không nung. Theo quan điểm của Sở Xây dựng, mặc dù với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng thực thi các quy định liên quan, song vấn đề vẫn phải tôn trọng ý kiến và chiến lượt sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Vì một khi nếu sản xuất kinh doanh thua lỗ thì chính đơn vị đó tự gánh chịu chứ cơ quan nhà nước không thể gánh thay trách nhiệm này. Do đó, để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh những đòn bẫy chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất còn cần thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng, đơn vị thi công thông qua khẳng định chất lượng sản phẩm.
   
  Mới đây, UBND thành phố Huế đã có Công văn về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị và Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác này. Theo đó, UBND thành phố Huế yêu cầu Công ty TNHHNN Môi trường và Công trình đô thị Huế, Ban Đầu tư và Xây dựng thành phố Huế, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, Trung tâm Công viên cây xanh Huế, Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp thành phố, UBND các phường của thành phố, các chủ đầu tư trực thuộc UBND thành phố căn cứ nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại chỉ thị và kế hoạch nói trên để triển khai công tác này cho đơn vị mình. Song song đó, UBND thành phố Huế yêu cầu Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài chính Kế hoạch căn cứ vào nội dung trên để hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện của các đơn vị của thành phố, các chủ đầu tư về triển khai sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất sử dụng gạch đất sét nung vào các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Huế.
                  Bài và ảnh: Xuân Giang
   
    
        
Theo Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN kể từ ngày 15-1-2013. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN kể từ ngày có hiệu lực và sử dụng 100% sau năm 2015. Các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến hết năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
                                                         
     
   
   
    
   
    
       
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Vật liệu không nung chưa đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO