Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, để đồng hành và chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh trước tình hình dịch bệnh COVID - 19 ngày càng phức tạp, Điện lực Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp khách hàng, chủ đầu tư triển khai nhanh chóng các yêu cầu đề nghị cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Điện lực Thừa Thiên Huế đã thực hiện cấp điện cho 43 công trình đấu nối vào lưới điện trung áp, tăng 20 công trình so với cùng kỳ, thời gian bình quân giải quyết thủ tục cấp điện là 2,3 ngày/công trình, giảm 0,9 ngày/công trình so với cùng kỳ và giảm 2,7 ngày so với quy định (05 ngày).
Kiểm tra và nâng cấp hệ thống điện cho khu cách ly tập trung tại chung cư Hương Sơ –TP. Huế |
Đồng thời, để cải tạo lưới điện hiện trạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia thực hiện thỏa thuận đấu nối các công trình điện vào hệ thống, trong 7 tháng đầu năm, đơn vị đã thực hiện 50 công trình, giá trị vốn hóa thực hiện hơn 55 tỷ đồng. Nhiều công trình cấp điện đã mang lại hiệu quả cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất cho doanh nghiệp, như công trình cấp điện cho Công ty TNHH Kim Sora, đơn vị sản xuất thiết bị, khẩu trang y tế. Ước tính mỗi ngày, doanh nghiệp này sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 15.000 khẩu trang/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong thời điểm tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đồng thời vẫn đảm bảo xuất khẩu cho thị trường nước ngoài. Ngoài ra, còn phải kể đến công trình cấp điện cho Công ty Cổ phần Frit Huế đầu từ mở rộng thêm 3 hecta diện tích nhà xưởng, công suất thiết kế ước tính đạt 65.000 tấn Frit/năm, đưa tổng công suất của nhà máy Frit Huế lên 130.000 tấn Frit/năm.
“Bên cạnh đó, tính đến tháng 8 năm 2020, đơn vị đã tham gia thỏa thuận đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện cho hơn 200 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất đạt hơn 3.700 kWp. Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ điện của hộ gia đình và của các doanh nghiệp thì sản lượng điện dư thừa phát lên lưới được đấu nối vào lưới điện quốc gia và bán lại cho ngành điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, đồng thời qua đó tăng cường sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Phúc nói.
Điện lực Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Công ty cổ phần Frit Huế đầu tư các công trình điện tại nhà máy Frit Huế |
Cũng theo ông Phúc, việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID - 19 trên địa bàn nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung góp phần cùng chính quyền địa phương trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và sớm đồng hành, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới nhằm giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tỉnh nhà là “nhiệm vụ kép” ưu tiên hàng đầu hiện nay của Điện lực Thừa Thiên Huế.
Được biết, Điện lực Thừa Thiên Huế cũng đã ủng hộ gần 400 triệu đồng cho các đơn vị lực lượng vũ trang, bác sỹ tuyến đầu, các cơ sở cách ly tập trung và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó thực hiện đầy đủ việc giảm giá tiền điện, giảm tiền điện do ảnh hưởng COVID - 19 cho gần 300 nghìn khách hàng sử dụng điện với số tiền xấp xỉ 83,4 tỷ đồng.
Kiểm tra và nghiệm thu các hạng mục để đưa vào vận hành hệ thống Điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế |
Cùng với đó, hàng trăm lượt cán bộ công nhân điện lực đã trực tiếp tham gia cùng các lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch để có nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy cho các chốt kiểm dịch, các cơ sở cách ly tập trung và đặc biệt là các cơ sở y tế “tuyến đầu” trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.