Thừa Thiên Huế: Tăng cường xử lý tình trạng khai thác giã cào trên biển và đầm phá

18/02/2019 13:14

(TN&MT) - Nhiều tàu giã cào bất chấp lệnh cấm, khai thác ở vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây khiến hệ sinh thái môi trường bị hủy hoại, hư hỏng ngư lưới cụ, người dân rất bức xúc...

Tàu giã cào ngang nhiên hoạt động ven bờ khiến ngư dân Thừa Thiên Huế bức xúc
Tàu giã cào ngang nhiên hoạt động ven bờ khiến ngư dân Thừa Thiên Huế bức xúc

Ngang nhiên hoạt động

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế, thời gian qua mặc dù lực lượng Thanh tra Chi cục đã tăng cường tuần tra và xử lý, nhưng tình trạng khai thác thủy sản gần bờ biển bằng tàu lưới kéo (giã cào) và vùng đầm phá có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh.

Số tàu giã cào vi phạm quy định khai thác thủy sản (khai thác sai tuyến) không chỉ đối với những tàu đánh cá xa bờ nội tỉnh mà còn có các tàu lưới kéo của các tỉnh bạn ven biển.

Thanh tra Chi cục đã xử lý 46 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 130 triệu đồng, trong đó có 2 tàu giã cào bị xử phạt 48 triệu đồng trong năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xử lý 26 trường hợp, số tiền xử phạt 78 triệu đồng, trong đó có 3 tàu giã cào ngoài tỉnh.

Ghi nhận của PV tại ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), những chiếc tàu giã cào có công suất lớn đã và đang hoạt động ngang nhiên, bất chấp sự có mặt của nhiều ngư dân địa phương đang đánh bắt xung quanh.

Tình trạng này khiến hệ sinh thái môi trường gần bờ và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Đặc biệt, sự hoành hành của tàu giã cào khiến ngày càng nhiều ngư dân bãi ngang nơi đây bị phá hoại ngư lưới cụ.

Tang vật của tàu giã cào bị lực lượng chức năng phát hiện được
Tang vật của tàu giã cào bị lực lượng chức năng phát hiện được

Ngư dân cho hay, hầu như ngày nào ở vùng biển ven bờ của xã cũng có cả chục tàu giã cào công suất lớn từ các tỉnh khác và cả ở Thừa Thiên Huế tràn vào đánh bắt hải sản.

“Gia đình tui đã có nhiều tay lưới bị tàu giã cào kéo phăng và xé toạc, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Rất nhiều hộ ngư dân khác nơi đây cũng đã bị tàu giã cào phá hỏng phương tiện làm ăn, cuộc sống ngày một bấp bênh...”- ông Lê Ế (xã Phú Thuận) bức xúc.

“Tàu giã cào hoạt động ban ngày cách bờ chừng 1- 2 hải lý; từ chiều tối đến 22h đêm thì vào cách bờ chừng 200- 300m, đèn đuốc sáng trưng. Nơi đâu nó đi qua thì lưới ngư dân bị xé, cá thất thoát hết. Khi ngư dân đặt lưới đều có đánh dấu trên biển, chỉ cần tàu giã cào quét qua là ngư lưới cụ bị cuốn sạch”- ngư dân Lê Văn Chiến (thôn Trung An, xã Phú Thuận) ấm ức chia sẻ.

Cũng theo tìm hiểu, tại vùng biển ven bờ của nhiều xã khác thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xuất hiện tình trạng tàu giã cào hoành hành.

Tìm phương án xử lý

Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận bức xúc: “Sự lộng hành của các tàu giã cào đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề đi biển của bà con. Đặc biệt gần đây, các tàu thuyền loại nhỏ của ngư dân địa phương không thể hoạt động được. Nhiều ngư dân nghèo rất khó khăn, phải vay mượn tiền đễ sắm ngư lưới cụ, chưa làm được bao nhiêu thì lại bị tàu giã cào phá nát...”.

Đời sống ngư dân khó khăn nếu như tàu giã cào vẫn xuất hiện…
Đời sống ngư dân khó khăn nếu như tàu giã cào vẫn xuất hiện…

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP đối với các vi phạm nêu trên chưa đủ sức răn đe nên tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào vẫn xảy ra, ngay cả đối với những tàu vi phạm đã bị xử lý. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi hơn, manh động và có hành vi chống trả lực lượng chức năng bằng cách đâm va vào tàu kiểm ngư hoặc chây ỳ trên biển...

“Vấn đề nguồn lực mỏng là yếu tố quan trọng. Cụ thể, chỉ có 7 người trên tàu kiểm ngư trong khi đó cả vùng biển tỉnh rộng mênh mông. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư trên tàu cũng theo truyền thống, không được xem là lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp, không có phụ cấp”- ông Bình thông tin.

Tại cuộc họp về tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào tại đầm phá và vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra giữa tháng 2 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ngành Nông nghiệp và các ngành, đơn vị chức năng theo nhiệm vụ và quyền hạn cần phải quyết liệt, đồng bộ, kiên trì để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng này. Trong vùng đầm phá, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị và địa phương để tăng cường công tác quản lý và phối hợp xử lý đối với các vụ việc vi phạm.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu đối với các tàu vi phạm, phải xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật; tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn lực để tăng cường tổ chức các đợt tuần tra cũng như truy bắt đối với những tàu vi phạm các quy định về khai thác thủy sản.

“Tại phiên họp thường kỳ sắp tới, UBND tỉnh sẽ bàn kỹ để có các biện pháp giải quyết đối với tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào trên biển và đầm phá…”- ông Thọ cho hay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tăng cường xử lý tình trạng khai thác giã cào trên biển và đầm phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO