Vì thế, để chủ động tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường chế độ hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững huyện, thị xã, TP. Huế trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng các đơn vị cơ sở; chỉ đạo thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động và sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng; xây dựng các quy chế phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự đóng quân trên địa bàn để bổ sung phương tiện, nhân lực ứng cứu kịp thời mỗi khi xảy ra cháy lớn; tổ chức tập huấn, diễn tập thực binh chữa cháy rừng; tổ chức phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa; ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu rừng trọng điểm, dễ cháy.
... Tăng cường quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, đốt xử lý thực bì đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn không gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi đốt thực bì tại các thời điểm dự báo cháy rừng cấp III trở lên, và tại các khu vực rừng gần khu nghỉ dưỡng Laguna ở xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc)...
Sau các vụ cháy rừng phải chỉ đạo khắc phục hậu quả, bố trí lực lượng dập tắt hết tàn lửa, tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng và họp rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cháy rừng, tổng hợp báo cáo nhanh.
Yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng để tập trung lực lượng chốt chặn tại các trạm kiểm lâm cửa rừng trọng điểm như Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh - Mụ Nú, Trạm Kiểm lâm La Ma, Trạm Kiểm lâm cửa rừng lòng hồ thủy điện Bình Điền, Trạm Kiểm lâm cửa rừng đường 71, Trạm Bảo vệ rừng ARoàng, nhằm bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn các lưu vực Hữu Trạch, Tả Trạch, tuyến đường 74, đường 71.
Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; tham gia huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập tình huống phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng cấp tỉnh để sẵn sàng ứng cứu, chữa cháy rừng khi có yêu cầu; thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy rừng trong xử lý thực bì trồng rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực chiến, cũng như thường xuyên kiểm tra trực phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường các địa phương, đơn vị chủ rừng...
Công an tỉnh cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến toàn thể cán bộ chiến sỹ trong lực lượng. Trực tiếp quản lý, chỉ huy lực lượng công an các cấp sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng. Chủ động phối hợp cơ quan Kiểm lâm và các ngành chức năng đấu tranh, điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng đến toàn thể cán bộ chiến sỹ trong lực lượng; chỉ đạo cho các đơn vị bộ đội đóng quân trong rừng và ven rừng phải đảm bảo và thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện và huy động lực lượng Dân quân tự vệ sẵn sàng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng cùng Kiểm lâm và lực lượng tại chỗ theo phương án phòng cháy chữa cháy rừng...
Trước đó Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã từng phản ánh nhiều vụ việc phá rừng tại Thừa Thiên Huế khiến dư luận bức xúc, như rừng thông đặc dụng ở phường An Tây - TP. Huế bị chặt phá nghiêm trọng với số lượng gần 3.000m2; hay tình trạng “chảy máu” rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền...