Thu hồi hàng chục dự án
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai, dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ, xử lý chia làm 3 giai đoạn là thu hồi, giám sát đặc biệt và đôn đốc thực hiện.
Ông Phan Thiên Định- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh, có 24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi, 29 dự án cần giám sát đặc biệt và 26 dự án đôn đốc tiến độ thực hiện. Đến nay, cơ quan quản lý đầu tư của tỉnh đã thu hồi được 24 dự án, trong đó bao gồm 13 dự án thuộc danh mục cần rà soát xem xét thu hồi, 7 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt và 4 dự án thuộc danh mục cần đôn đốc tiến độ.
Thừa Thiên Huế đang quyết liệt các giải pháp để thu hồi, xử lý các dự án “chậm như rùa” |
Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tháng 12 này cho thấy, đối với nhóm các dự án rà soát, xem xét thu hồi, đã có 13/24 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; trong đó, cơ quan quản lý đầu tư của tỉnh chấm dứt hoạt động của 9 dự án, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động 4 dự án.
Một số dự án đã được tỉnh đồng ý gia hạn tiến độ thực hiện sau khi nhà đầu tư làm việc với cơ quan quản lý đầu tư và đã triển khai đáng kể các bước tiếp theo nhằm tiếp tục triển khai dự án.
Các nhà đầu tư có thiện chí tiếp tục triển khai dự án như: Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng của Công ty CP Đầu tư Long Phụng được tỉnh cho phép gia hạn tiến độ đến quý I/2020, hiện nhà đầu tư hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, trồng rừng thay thế và đang thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở;
Dự án xây dựng tòa nhà VNPT Thừa Thiên Huế đang được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tiến hành thẩm định lựa chọn tổng thầu, đang hoàn thiện bước thẩm định thiết kế kỹ thuật; Dự án Khách sạn Đông Dương đã hoàn thành xây dựng phần móng, hiện đang thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án để phù hợp với tình hình thực tế...
Trong khi đó, PV nhận thấy nhiều dự án tại trung tâm TP. Huế vẫn đang “án binh bất động” như Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim - Huế với mức đầu tư trên 811 tỷ đồng, Dự án Làng Việt tại phường Thủy Biều với số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, Dự án Tòa nhà VNPT Huế cũng chỉ manh nha tái khởi động...
Cỏ dại mọc um tùm bên trong dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim- Huế (ảnh). Hiện tỉnh đang giám sát tiến độ thực hiện dự án này |
Theo ông Phan Thiên Định, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ về giám sát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, việc ban hành Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh là cơ sở pháp lý quan trọng cho UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý đầu tư triển khai công tác giám sát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ, phối hợp làm việc với nhà đầu tư để nắm tình hình thực hiện, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như thu hồi, chấm dứt đối với các dự án không có khả năng tiếp tục triển khai.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án, tuy nhiên, nếu năng lực tài chính doanh nghiệp không đảm bảo hoặc cố tình chây ì, không triển khai dự án đúng cam kết, sử dụng đất không đúng mục đích, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi để tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có tiềm năng hơn.
“Đối với nhóm các dự án chậm tiến độ, giám sát đặc biệt, cơ quan quản lý đầu tư đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý phù hợp. Đến nay, nhiều dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt đã có những chuyển biến tích cực, được nhà đầu tư tập trung nguồn lực thực hiện và cam kết sớm đưa dự án vào hoạt động. Đối với nhóm các dự án thuộc diện đôn đốc tiến độ, các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, chưa triển khai theo cam kết, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án và xây dựng kế hoạch triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ, đồng thời có biện pháp xử lý nếu chậm triển khai...”, ông Định cho hay.
Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư
Được biết, giai đoạn từ 2016-2019, Thừa Thiên Huế đã thu hút được 178 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm khoảng 68.675 tỷ đồng, quy mô vốn bình quân 385 tỷ đồng/dự án. Trong đó, đầu tư nước ngoài có 34 dự án FDI với tổng mức đầu tư đạt 33.720 tỷ đồng, chiếm 49%.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế trong một lần kiểm tra các dự án chậm tiến độ |
Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế đánh giá, xây dựng hoàn thiện hạ tầng là một trong những giải pháp của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, song song chỉnh trang đô thị. Xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng đạt chuẩn, ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn các xã điểm, các xã thuộc huyện điểm Quảng Điền, Nam Đông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng về phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành địa điểm giao thương quốc tế gắn với du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và môi trường đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn khu kinh tế...
“UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND và các quyết định liên quan bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư và thông tin chi tiết khoảng 50 dự án để cung cấp cho các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được triển khai một cách có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong nước và khu vực, có định hướng phát triển tương đồng với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đã tổ chức tốt nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... gắn với việc hình thành nên mạng lưới chuyên gia hỗ trợ kêu gọi đầu tư tại nước ngoài, tạo nền tảng cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư bền vững, lâu dài tại các thị trường này”, ông Vui thông tin thêm.