Khoáng sản

Thừa Thiên - Huế quản lý khoáng sản hiệu quả để phát triển bền vững - Kiểm soát chặt, quản lý nghiêm

Sông Hương - Ngự Bình (lược ghi) 23/05/2023 - 11:03

(TN&MT) - Trong quá trình khai thác khoáng sản, bên cạnh những doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, vẫn tồn tại không ít doanh nghiệp “phớt lờ” quy định, coi thường luật pháp. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm.

Theo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, từ năm 2016 - 2021, Sở đã thực hiện 42 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh đối với 95 tổ chức, liên danh và 61 cá nhân. Trong đó, đã thanh tra, kiểm tra đối với 51 mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Sở ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt 1.311.500.000 đồng. Đồng thời, chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền trong lĩnh vực khoáng sản đối với 22 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 6.880.000.000 đồng; tước 5 giấy phép khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu khoáng sản được quy đổi bằng tiền với tổng số tiền 1.515.224.000 đồng.

8-9a-1-.jpg

Về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Sở TN&MT đã kiểm tra và phát hiện 10 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 9 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 530.000.000 đồng. Đồng thời, chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền đối với 1 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 240.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 1 mỏ. Các hành vi vi phạm chủ yếu như không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ; không thực hiện một trong các nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường; tự ý đưa các công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền...

Năm 2022, ngành TN&MT tỉnh đã triển khai thực hiện 19 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 34 tổ chức, đơn vị, ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản đối với 10 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 728.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp với tổng số tiền 264.147.000 đồng.

8-9a-2-.jpg
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 15 khu vực mỏ hết thời gian khai thác nhưng doanh nghiệp chưa lập đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh phê duyệt. Một số trường hợp chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản.

Ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong quá trình khai thác, một số chủ mỏ chưa đáp ứng quy định khai thác mỏ, quá trình vận chuyển để vật liệu rơi vãi, chưa lắp đặt trạm cân, không tưới nước trên quãng đường vận chuyển dẫn đến bụi bặm, ô nhiễm. Tất cả những trường hợp vi phạm này đều đã được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ông Phan Công Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc:

Vấn đề môi trường được đặt ra ngay từ giai đoạn xin cấp phép

8-9-4-(2).jpg

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản về bảo vệ môi trường dần được quan tâm. Các vấn đề về môi trường được đặt ra ngay từ giai đoạn xin phép thăm dò, khai thác khoáng sản; cùng với công tác tuyên truyền, bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng, các chủ doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản.

Liên quan đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ các dự án phát triển khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đóng trên địa bàn huyện, huyện Phú Lộc kiến nghị HĐND, UBND tỉnh bổ sung quy hoạch cục bộ các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn, bổ sung điểm quy hoạch đất làm vật liệu san lấp theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, đề xuất tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực.

Ông Lê Bá Minh Hải - Trưởng phòng TN&MT thị xã Hương Thủy:

Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý

8-9-5-.jpg

Trên địa bàn thị xã hiện có 11 khu vực quy hoạch khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 430,19ha, 4 khu vực quy hoạch khai thác cát sỏi và 3 khu vực quy hoạch khai thác sét với tổng diện tích 85ha. Hiện đang có 5 đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác mỏ đất san lấp còn hiệu lực với tổng diện tích đã cấp 57,75ha.

Hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Hiện nay, nguồn vật liệu đất san lấp ở thị xã đang đáp ứng nhu cầu nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, khu công nghiệp, đặc biệt là công trình trọng điểm quốc gia như: Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án khu công nghiệp Gilimex; nhà ga T2 sân bay Phú Bài; Dự án đô thị Green City. Vì vậy, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững là yêu cầu rất quan trọng, phù hợp với chủ trương của Nhà nước và xu thế phát triển hiện nay.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn luôn tuân thủ quy hoạch, giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng được thị xã Hương Thủy chú trọng. UBND thị xã đã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND tỉnh trong quản lý hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản. Hằng năm, thị xã đều ban hành kế hoạch triển khai công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt, phân công rõ nhiệm vụ đối với các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã, phường theo đúng chức nhằm đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý.

Ông Lê Minh Trí - Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên - Huế:

Khai thác không được ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường

8-9-6-.jpg

Hoạt động của Công ty hiện đang tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho khoảng 100 lao động trên địa bàn; nộp ngân sách hàng năm khoảng 5 tỷ đồng cho địa phương. Thời gian qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã tăng cường phổ biến Luật Khoáng sản và các quy định liên quan để người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt luật pháp, khai thác và chế biến khoáng sản đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường, đây là một trong những thuận lợi rất lớn để Công ty hoạt động đúng pháp luật.

Đặc thù của đơn vị là thường xuyên nhập cát và đá để sản xuất vật liệu xây dựng (bê tông thương phẩm và ống cống các loại), vì thế công ty luôn thực hiện theo cam kết đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, công ty luôn ý thức việc phối kết hợp với địa phương để hoạt động không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường. Công ty cũng không ngừng cải tiến dây chuyền hiện đại nhằm đáp ứng chế biến sâu.

Tuy nhiên, hiện tại, Thừa Thiên - Huế rất khan hiếm nguồn cát vì hầu như không có mỏ cát nào hoạt động, doanh nghiệp phải nhập cát từ trung gian, vì thế, chúng tôi kiến nghị tỉnh cấp phép mỏ cát để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng...

Ngoài ra, đặc thù của công ty là đơn vị sản xuất bê tông nên rất cần diện tích sử dụng đất để làm các bãi tập kết, dự trữ nguyên liệu, trong khi công ty nằm trong khu vực dân cư đông đúc. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, mặc dù Công ty đã tìm được vị trí phù hợp ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), tuy nhiên, do vướng mắc ở các luật liên quan nên không thể triển khai được dự án theo nguyện vọng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh tạo điều kiện để Công ty được thuê đất để di dời toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi khu dân cư nhằm tạo môi trường ổn định duy trì hoạt động và phục vụ phát triển.

Ông Huỳnh Văn Toàn - Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây:

Đề xuất bổ sung các điểm quy hoạch theo quy định, phù hợp nhu cầu thực tiễn

8-9-1-.jpg

Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng của Thừa Thiên - Huế đã triển khai hiệu quả Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan, không để các doanh nghiệp tự do thực hiện sai quy trình, quy định; các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành Luật, khai thác đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, trước xu hướng đầu tư của doanh nghiệp vào các khu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng cao, đặc biệt tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô, nhu cầu về đất đá, khoáng sản để san lấp mặt bằng, xây dựng kho, bãi, hệ thống hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên, với trữ lượng rất hạn chế, không đủ khối lượng đáp ứng cho yêu cầu tiến độ của các dự án, rất nhiều doanh nghiệp phải mua nguồn khoáng sản này từ rất nhiều nơi, kể cả từ các nguồn ngoại tỉnh, khiến chi phí đầu tư của doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, rất mong HĐND và UBND tỉnh gấp rút bổ sung các điểm quy hoạch đất, đá, khoáng sản làm vật liệu san lấp theo quy định và phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế tại các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế quản lý khoáng sản hiệu quả để phát triển bền vững - Kiểm soát chặt, quản lý nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO