PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến Luật BVMT đã được địa phương thực hiện như thế nào để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường , phát triển kinh tế bền vững?
Ông Lê Bá Phúc:
Tỉnh xác định công tác tuyên truyền các chính sách BVMT cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường cấp tỉnh, sở ngành liên quan và địa phương là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết và lâu dài.
Nhằm sớm đưa các quy định của Luật BVMT đi vào cuộc sống, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT theo quy định, trong thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác thẩm định hồ sơ môi trường theo các quy định của Luật BVMT năm 2020; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT và các văn bản liên quan về công tác BVMT cho các sở ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các phòng TN&MT; cán bộ địa chính môi trường cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, địa phương tổ chức 12 lớp tuyên truyền, tập huấn với khoảng 1.100 người tham dự, về các nội dung như Luật BVMT năm 2020, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn... Ngoài ra, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường, thông qua các buổi làm việc, thanh kiểm tra, Sở TN&MT đã lồng ghép hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các quy định của Luật BVMT, quan tâm, đầu tư các công trình giảm thiểu chất ô nhiễm.
PV: Vậy công tác bảo vệ môi trường gắn với giảm nghèo bền vững của địa phương đã triển khai ra sao thời gian qua, thưa ông?
Ông Lê Bá Phúc: Cùng với việc triển khai các giải pháp hữu hiệu giúp người dân địa phương tiến tới thoát nghèo bền vững, các huyện, thị xã và TP. Huế cũng đang tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, triển khai các mô hình BVMT gắn với giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn, Sở TN&MT đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền tập huấn công tác BVMT cho các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, UBND cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của chất thải đối với môi trường nếu không thu gom, xử lý đúng quy định; đồng thời, triển khai các giải pháp thu gom và lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ sọt đựng rác cho các hộ gia đình, nhất là những hộ gia đình kinh tế gia đình còn khó khăn.
Từ năm 2019 đến nay, tại 145 phường, xã, cũng đã tích cực tham gia các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” hàng tuần, vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể phát động; mỗi gia đình thực hiện nghiêm túc chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”.
Hiện Sở TN&MT cùng với các phòng TN&MT huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện các mô hình vừa về BVMT, vừa hỗ trợ cho người dân nghèo. Cụ thể như triển khai mô hình “Biến rác thải thành tiền” ở một số xã không chỉ góp phần BVMT, mà từ số tiền bán phế liệu sẽ hỗ trợ lại những hộ gia đình còn khó khăn trong cuộc sống. Một số mô hình sinh kế như nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu; nuôi lợn nái Phong Điền; sản xuất nông nghiệp tổng hợp huyện Quảng Điền; nuôi cá hồng mỹ, nuôi cá vẩu, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Vang; nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc... vừa đảm bảo phát triển kinh tế đồng thời giảm tác động đến ô nhiễm môi trường.
PV: Xin ông cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT đến người dân, qua đó thấy được mối quan hệ biện chứng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững?
Ông Lê Bá Phúc:
Thứ nhất, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật BVMT năm 2020 theo Kế hoạch, đặc biệt kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thuộc thuộc thẩm quyền UBND tỉnh và HĐND tỉnh; rà soát kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành trước đây cho phù hợp với Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Thứ hai, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động ĐTM đối với các dự án đầu tư phát triển, trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chế định mới của Luật nhằm sàng lọc dự án đầu tư và chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, đặc biệt các dự án có yếu tố nhạy cảm liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chuyển đổi đất rừng; thiết lập cơ chế công khai nội dung Báo cáo ĐTM để tham vấn rộng rãi ý kiến của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thẩm định Báo cáo ĐTM.
Thứ ba, triển khai kế hoạch giám sát, xử lý khu vực, điểm nóng về môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, giám sát chặc chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...
Thứ tư, quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa. Trong đó, triển khai ngay việc phân loại rác tại nguồn và thu phí theo lượng chất thải rắn phát sinh theo Luật, Nghị định hướng dẫn và các quy định, đề án, kế hoạch của tỉnh. Áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng. Thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi, tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa.
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh, thiết lập và quản lý bền vững khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước, cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về BVMT, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng...