Thừa Thiên Huế: Ô nhiễm môi trường từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm

20/07/2018 14:26

(TN&MT) -  Hơn 90% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khi được kiểm tra, quan trắc đều có thông số vượt tiêu chuẩn, thiếu hệ thống xử lý chất thải...; điều này đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động.

Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải là nguyên nhân các lò mổ gia súc gây ô nhiễm
Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải là nguyên nhân các lò mổ gia súc gây ô nhiễm

Ô nhiễm

Theo tìm hiểu của PV, hiện nhiều cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Thừa Thiên Huế nằm xen kẽ trong khu dân cư như cơ sở Thuận An (huyện Phú Vang), Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), Thủy Biều (TP. Huế)... đã và đang hoạt động, trong khi hệ thống xử lý chất thải không được đầu tư xây dựng. Chất thải được thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của nhiều hộ dân xung quanh.

Cách đây khoảng 1 năm, sau khi xóa sổ cơ sở giết mổ gia súc ở phường Hương Sơ (TP. Huế), hầu hết chủ hàng tập trung về giết mổ tại lò mổ ở xã Phú Dương (Phú Vang).

Các hộ dân sinh sống xung quanh bức xúc vì chịu nhiều ảnh hưởng bởi mùi hôi thối của nước thải và xác nội tạng từ cơ sở xả ra. Tuy người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục và di dời nhưng cơ sở giết mổ cách nhà dân chưa đầy 100m vẫn tồn tại.

“Từ khi cơ sở giết mổ này tồn tại, mọi sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo ngược. Hễ mở cửa là mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, khó chịu vô cùng. Vào lúc trời nắng to, gió thổi về thì mùi thối còn nồng nặc hơn. Cứ rạng sáng là người ta bắt đầu giết mổ gia súc, tiếng heo kêu ồn lắm, rất khó ngủ. Thương nhất mà mấy đứa con, sáng đi học cứ gà gật vì thiếu ngủ”- anh Võ Đức N., sống cạnh cơ sở bức xúc nói.

Lò mổ ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang) không đảm bảo môi trường
Lò mổ ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang) không đảm bảo môi trường

Cũng theo nhiều người dân nơi đây, sau khi giết mổ xong, xác nội tạng gia súc và gia cầm cùng nước thải được cơ sở này xả trực tiếp xuống dòng sông Phổ Lợi. Sông Phổ Lợi là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hecta hoa màu cho xã Phú Dương cũng như một số xã lân cận. Nếu tình hình cứ xả thải nước bẩn liên tục ra dòng sông này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất mùa vụ cũng như chất lượng sản phẩm bà con.

Ông Nguyễn Đăng Định, chủ cơ sở giết mổ gia súc Phú Dương cho biết, cơ sở vào dịp Tết gần như quá tải, công suất mổ lợn, bò vượt gấp 3 lần, trong khi hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.

“Đến nay, sau khi được chấn chỉnh và hạn chế chỉ còn 15 chủ mổ, bình quân mỗi ngày, cơ sở này chỉ giết mổ 50 con lợn, khoảng 10 con bò. Chất thải như phân, lòng lợn được một số người đến lấy về cho cá ăn; phân bò được thu mua để bón cho cây trồng... Dù đã được chấn chỉnh, nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải nâng cấp thêm hầm xử lý, mái che, đường vào...”- ông Định cho hay.

Qua kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 13/14 cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định, chủ yếu được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng tại các hồ chứa kèm chức năng hồ sinh học trong khuôn viên cơ sở.

Được biết, cơ sở giết mổ gia súc Bãi Dâu (Công ty CP Phát triển thủy sản Huế)  là cơ sở duy nhất trong số 14 cơ sở giết mổ gia súc qua kiểm tra, quan trắc của Sở TN&MT có đầu tư hệ thống xử lý nước thải giết mổ và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, tại đây có 8/10 thông số đặc trưng cho chất lượng nước thải giết mổ gia súc được lấy mẫu và phân tích tại bể thu gom của cơ sở Bãi Dâu, gồm: độ màu, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxi hóa học (COD), nhu cầu oxi sinh hóa (BOD5), amoni(NH4+), tổng Nitơ (Tổng N), tổng Photpho (Tổng P), coliform đều vượt ngưỡng cho phép.

Nước thải từ các lò mổ cứ xả thẳng ra môi trường...
Nước thải từ các lò mổ xả thẳng ra môi trường...

Quy hoạch một cách hợp lý

Theo đề xuất của Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác quy hoạch điểm giết mổ gia súc cần được xem xét, rà soát và đánh giá lại. Cụ thể như các cơ sở giết mổ gia súc Thủy Biều, Quảng Thành, Quảng Thái, thị trấn Sịa, Bình Điền, Vinh Thanh, Thuận An, Bãi Dâu... cần có phương án điều chỉnh hợp lý theo đúng tình hình thực tế cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước mắt, để phục vụ nhu cầu thực phẩm thịt sạch của người dân trên địa bàn tỉnh, đơn vị chủ quản là Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường giám sát hoạt động giết mổ, tiêu độc khử trùng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc. Đôn đốc và bắt buộc các cơ sở thường xuyên nạo vét, khơi thông kênh mương dẫn thải, tăng cường đầu tư và sử dụng hệ thống biogas hợp lý, tránh hiện tượng quá tải gây tác động đến môi trường.

Đối với những cơ sở nằm ngoài quy hoạch, xen kẽ trong khu dân cư tập trung thì cơ quan chức năng cần căn cứ các quy định hiện hành và phù hợp thực tế để tiến hành rà soát và xây dựng lộ trình thực hiện đình chỉ hoạt động các cơ sở không nằm trong quy hoạch; các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc có kế hoạch đưa các cơ sở này vào khu quy hoạch, khu sản xuất tập trung.

Để giảm tải, tránh tình trạng quá tải cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các vùng ven thành phố, vùng phụ cận, tỉnh Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi sớm đầu tư xây dựng cơ sở quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giết mổ cho khu vực phía Bắc và phía Nam TP. Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Ô nhiễm môi trường từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO