Khoảng 1.692 ha lúa thiếu nước
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 6 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nền nhiệt độ trong 5 tháng đầu năm cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1,5 - 2,1 độ C, trong đó tháng 03 cao hơn (TBNN) 2,6 - 3,1 độ C, tháng 5 nhiệt độ cao hơn TBNN từ 1,0 - 1,3 độ C. Lượng mưa thấp hơn so với TBNN cùng kỳ và đạt từ 47 - 67%.
Tại thời điểm ngày 1/6/2020, tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi và thủy điện đạt 443,91/1154,6 triệu m3, đạt 39,6%. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn; có khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong vụ Hè Thu năm 2020 tại một số vùng miền núi, đặc biệt là vùng gò đồi, vùng ven biển, các vùng không có công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Đối với diện tích lúa vụ Hè Thu năm 2020, đến nay các địa phương ở Huế đã gieo cấy khoảng 25.650 ha/26.000 ha đạt 98,7%; trong đó có 2.704 ha không chủ động nguồn nước.
Hạn hán kéo dài khiến người nông dân ở Huế đang khó khăn |
Theo nhận định thời tiết từ nay đến cuối vụ Hè Thu, diện tích lúa đã gieo cấy có khả năng bị thiếu nước khoảng 1.692 ha tập trung tại các huyện Nam Đông (43,1 ha), huyện A Lưới (300 ha), huyện Phú Lộc (539 ha), huyện Quảng Điền (260 ha), thị xã Hương Trà (300 ha) và thị xã Hương Thủy (100 ha).
Ghi nhận của PV tại huyện miền núi A Lưới, nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến cho tình hình sản xuất lúa vụ Hè Thu của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hồ Văn Xuân (xã A Ngo, huyện A Lưới) cho biết,vụ Hè Thu năm nay gia đình ông gieo sạ 4 sào lúa, với tình hình nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay là điều rất dễ xảy ra. “Bây giờ chỉ còn biết cầu mong vào ông trời cho mưa xuống, chứ chẳng còn cách nào khác để cứu lúa...”- ông Xuân nói.
Khơi thông hệ thống kênh mương |
Triển khai nhiều giải pháp
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế - Trương Văn Giang cho biết, đối với diện tích 2.704ha không chủ động nguồn nước ở các vùng gò đồi, vùng ven biển, vùng cuối kênh của vụ Hè Thu năm 2020, các địa phương đã có kế hoạch chuyển đổi sang trồng loại cây khác với diện tích khoảng 522 ha, diện tích còn lại không canh tác tránh gây thiệt hại.
Đối với diện tích 1.692ha lúa có nguy cơ thiếu nước, các địa phương và Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế đã bố trí giống ngắn ngày; tưới tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý. Chủ động đắp các đập tạm, huy động 9 máy bơm dầu để bơm phục vụ tưới cho các diện tích có khả năng bị hạn tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới; lắp đặt 9 trạm bơm chuyền ở vùng cao tại vùng hói 5 xã, 7 xã thuộc thị xã Hương Trà, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) và huyện Phong Điền để tưới hỗ trợ cho diện tích lúa có khả năng bị hạn.
“UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Huế đã kết hợp với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đồng loạt ra quân triển khai vớt hơn 553.613 m2 bèo, rác trên các sông, hói, kênh, hói và đang tiếp tục thực hiện nhằm khơi thông dòng chảy, vệ sinh đồng ruộng. Bên cạnh đó, để chủ động đối phó với hạn hán, Sở kiến nghị UBND tỉnh trình Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ sửa chữa và xây dựng một số công trình thủy lợi trọng điểm để đảm bảo nguồn nước trong thời gian tới”, ông Giang nói.
Lãnh đạo địa phương kiểm tra, tìm phương án chống hạn |
Phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho hay, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều phương án phòng, chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020 như sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ, suối để chủ động bơm tưới tiêu cho lúa khi cần thiết, đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhỏ các công trình thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp; kiên quyết và vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Một số xã như Sơn Thủy, Trung Sơn… đã thực hiện việc chuyển đổi này.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, do việc chuyển đổi sang trồng loại cây khác ở các diện tích không chủ động được nguồn nước không có hiệu quả nên việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi là một trong những giải pháp căn cơ, nền móng cho việc gieo trồng trong thời gian tới.
Ông Phương đề nghị các Sở, ban ngành tập trung nghiên cứu, đầu tư một số công trình thủy lợi trọng điểm để đảm bảo nguồn nước, phục vụ tưới tiêu cho các diện tích lúa, hoa màu của người nông dân.
“Đối với các diện tích lúa đã gieo cấy, đề nghị trước mắt các đơn vị phải tập trung các giải pháp, bảo đảm nguồn nước tưới cho 1.692 ha lúa đã gieo cấy có khả năng bị thiếu nước ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai phương án chống hạn cho từng vùng, diện tích cụ thể. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, kịp thời nạo vét kênh mương, quản lý phân phối nước tưới luân phiên, tiết kiệm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất vụ Hè Thu. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, huy động nhân dân kết hợp với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” để ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước chống hạn”, ông Phương nhấn mạnh.
Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước chống hạn là khoảng 87,5 tỷ đồng.