Ngoài sạt lở nặng ở bờ biển Phú Thuận khiến đất bị “nuốt”, rừng phòng hộ bị "trôi"... thì trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn có nhiều điểm sạt lở bờ biển khác đang diễn ra khá phức tạp.
Sạt lở nặng nề tại bờ biển Phú Thuận những ngày qua |
Sau khi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch ghi nhận, tại bờ biển đoạn qua các thôn An Dương (xã Phú Thuận) đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, hở hàm ếch với diện tích lớn. Người dân vô cùng lo lắng vì sạt lở đã ăn sâu vào đất liền trong khi năm mới cũng đã cận kề.
Tại hiện trường, báo cáo với đoàn công tác, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thực trạng sạt lở bờ biển tại xã đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên năm nay tình hình sạt lở diễn ra rất nhanh, mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đê kè phòng chống sạt lở, rừng phòng hộ và cuộc sống của người dân. Nếu như có mưa bão thì tình hình sạt lở sẽ càng sâu hơn.
“Lực lượng chức năng xã vừa lên phương án di dời khẩn cấp 12 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm do bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Với tình hình như hiện nay, khoảng 300 cây dương liễu phòng hộ có khả năng bị sóng xô ngã, cuốn trôi. Trước mắt, xã đã thực hiện trồng cây phân tán vào các vùng xung yếu để bảo vệ bờ biển, đồng thời mong cơ quan chức năng có hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời”, ông Tùy nói.
Ông Nguyễn Văn Phương (đứng đầu) cùng ông Đặng Tiến Tùy (chỉ tay) kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn Phú Thuận trong chiều 17/12 |
Ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, tuy đến thời điểm này, tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão nhưng do ảnh hưởng của biển đổi khí hậu kết hợp với gió mạnh đã gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh kế của người dân.
“Để kịp thời xử lý, ứng phó với tình trạng sạt lở nghiêm trọng hiện nay, yêu cầu địa phương phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của dân, có phương án sơ tán kịp thời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời thực hiện các giải pháp công trình khẩn cấp để ứng phó và bảo vệ đất đai, tài sản của người dân cùng và các công trình hạ tầng quan trọng khác...”, ông Phương nhấn mạnh.
Sau khi kiểm tra bờ biển Phú Thuận, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra thực tế tình hình xói lở bờ biển Hải Dương (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Tại đây cũng đang bị xói lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 2.000m, lấn sát vào hàng quán của người dân và rừng phòng hộ.
Đoàn công tác cũng kiểm tra bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) để chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Nơi này là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở những năm gần đây.
Nhiều cây dương phòng hộ ven biển Phú Thuận bị sóng cuốn trơ gốc. Ảnh chụp chiều 17/12 |
Một số đoạn bờ biển bị san phẳng nên sóng biển tràn qua tuyến tỉnh lộ 21, đe dọa vườn trồng hoa màu và ao hồ nuôi trồng thủy sản. Nhiều điểm sạt lở đã ăn sâu vào khu dân cư, uy hiếp nhà cửa của các hộ dân. Nhiều hàng quán phục vụ khách tắm biển bị sóng đánh tanh bành, hư hỏng nặng, lộ rõ cả hàm ếch. Những hàng phi lao cao lớn với gốc cây chừng 50cm, rễ bám chặt vào đất cũng nằm chỏng chơ cạnh chân sóng.
“Quán của tôi mấy năm nay đều bị sóng đánh tan bành. Hồi trước, bờ biển ra tận ngoài xa, phải hơn 200m nhưng sóng biển mỗi năm gây ra sạt lở rồi lấn vào tận đây, không biết vài năm nữa sẽ ra sao. Nếu cơ quan chức năng không sớm xây kè bảo vệ bờ biển thì thời gian tới chắc vườn tược và nhà cửa nơi đây sẽ bị cuốn trôi hết cho coi”- bà Huỳnh Thị Hoa (70 tuổi, xã Vinh Hải) cho hay.
Mới đây, bờ biển Vinh Hải đã được tỉnh đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở với chiều dài 2,5km. Trong khi dự án đang triển khai thì những ngày qua, bờ biển Vinh Hải có thêm khoảng 500m bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa các khu nuôi trồng thủy sản, các công trình công cộng, khu dân cư.
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Trân - Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lộc cho biết, ông đã cùng cán bộ địa phương đi kiểm tra tình hình sạt lở biển Vinh Hải và yêu cầu xã cần tăng cường triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân.
“Huyện yêu cầu địa phương chủ động di dời dân khi có mưa lũ, đồng thời sử dụng các bao cát để hạn chế sạt lở. Đồng thời, yêu cầu UBND xã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố, tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động đối phó với thiên tai” - ông Trân thông tin.
Đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân vùng sạt lở biển là yêu cầu của lãnh đạo Thừa Thiên Huế. Trong ảnh là cảnh sạt lở tấn công nhà dân tại bờ biển Hải Dương |
Bên cạnh những địa điểm nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn nhiều điểm bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần xử lý cấp bách như bờ biển đoạn qua xã Phú Diên, xã Phú Hải (huyện Phong Điền), xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền); sạt lở bờ sông Hương đoạn qua thôn Hạ (xã Dương Hòa); sông Bồ đoạn qua phường Hương Văn (thị xã Hương Trà); sông Diên Hồng (đoạn qua xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền)...
Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, sau chuyến kiểm tra này, các cơ quan, ban ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng sạt lở bờ biển; đồng thời phối hợp nghiên cứu, bàn các giải pháp kỹ thuật công trình chống sạt lở bờ biển một cách hiệu quả. Trên cơ sở quy mô, tính chất công trình sau khi nghiên cứu sẽ kiến nghị tỉnh, Trung ương đầu tư, bố trí nguồn kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở bờ biển.
Như đã phản ánh, vùng biển Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) những ngày qua bị xâm thực nặng do triều cường, sóng lớn. Ghi nhận của PV trong các ngày 15/12 và 16/12, sóng biển, triều cường xâm thực vùng bờ biển dài hơn 5km qua các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 của xã Phú Thuận.
Cụ thể, tại khu vực An Dương 1 nằm ở đầu múi kè chống sạt lở Phú Thuận, tình trạng xâm thực, sạt lở biển diễn ra mạnh nhất với việc biển lấn sâu vào đất liền từ hơn 5m, trên chiều dài 400m. Sạt lở biển ở đây còn làm hàng chục cây dương nhiều năm tuổi trên bờ bị bứng gốc, rơi xuống biển. Một công trình tâm linh của ngư dân chuyên nghề đi biển cũng sắp bị sóng biển đánh sập.
Tại khu vực đầu múi kè, liên tục có sóng lớn và triều cường dữ dội làm nhiều doi cát ở khu vực này liên tục bị sạt. Người dân địa phương cũng cho rằng, với tốc độ sóng biển xâm thực dữ dội như nhiều ngày qua, khi triều cường liên tục xuất hiện, các cánh rừng dương liễu phòng hộ ven biển sẽ khó trụ nổi...