Thừa Thiên Huế: Khơi dậy tình yêu biển, đảo

14/11/2017 00:00

(TN&MT) - Xác định được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác biển, đảo, những năm qua Thừa Thiên Huế đã chú trọng triển khai nhiều hoạt hoạt động tuyên truyền với mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, đảm bảo yêu cầu hội nhập và phát triển.

Nhiều hoạt động thiết thực

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã thành lập Ban chỉ đạo Biển Đông và Hải đảo để tập trung triển khai thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về công tác biển, đảo phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương. Đồng thời, tỉnh đã đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 19/11/2012 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2020” và nhiều nghị quyết quan trọng khác. Tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác tuyên truyền biển, đảo ngày càng đạt hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Qua đó, công tác tuyên truyền đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia. Nội dung, hình thức ngày càng phong phú, đổi mới, chú trọng đến tính định hướng, sức thuyết phục và hiệu quả công tác tuyên truyền. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy căn cứ vào kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương về công tác tuyên truyền biển, đảo nhằm chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về công tác tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương để chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Đồng thời tỉnh đã chỉ đạo kịp thời để tuyên truyền, định hướng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, thông qua các hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, các buổi báo cáo thời sự, nói chuyện chuyên đề, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, “Tuần sinh hoạt công dân”; hoạt động chiếu phim, giới thiệu, triễn lãm những hình ảnh về biển, đảo về tình hình Biển Đông, tổ chức Hội thảo, giao lưu văn hóa, nghệ thuật... đến với nhân dân và bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa. Tổ chức các hoạt động kết nghĩa, thăm tặng quà, các trại sáng tác về chủ đề “Biển đảo quê hương”, hưởng ứng các hoạt động “Ngày hội tin nhắn”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Hát về biển, đảo quê hương”... Tích cực đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch về những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo và biên giới quốc gia; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết cơ bản vấn đề biển, đảo.

Các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn đã thường xuyên tích cực phối hợp với Bộ Tự lệnh Hải quân, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nhiều chương trình, chuyên mục về biển, đảo, như: “Vì an ninh Tổ quốc”, “Biên phòng toàn dân”, “Hải quân nhân dân Việt Nam”, “Biên giới – Biển đảo”, các chuyên đề về ngư nghiệp, thủy sản... Trên các tạp chí, đặc san, báo, bản tin, website của các sở, ban, ngành, các đài phát thanh của các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tuyên truyền nhiều nội dung, tin, bài, phóng sự, hình ảnh phong phú về tình hình biển, đảo.

Ngoài lực lượng nòng cốt, chủ lực là báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí, lực lượng bộ đội biên phòng, còn có các lực lượng cán bộ cơ sở, các già làng, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn viên, hội viên... tham gia tích cực tuyên truyền góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo quê hương, đất nước.

Nâng cao nhận thức

Dự báo tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố mới mất ổn định, khó lường. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức... Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quản lý tình hình an ninh biên giới, biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất nặng nề. Do đó, công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn Thừa Thiên Huế tập trung chú trọng thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế biển, đầm phá Thừa Thiên Huế đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”..., Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển, đảo, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường biển trong tình hình hiện nay...  Nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về biển trong ngư dân và những người lao động trên biển... Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các hoạt động hướng về biển, đảo và tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quốc Toàn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Khơi dậy tình yêu biển, đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO