Thừa Thiên Huế: Hiểm họa rình rập từ dông sét

23/05/2018 08:21

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế có hàng chục người tử vong do bị sét đánh. Trong giai đoạn đầu mùa hè này, những cơn dông sét xảy ra vào mỗi buổi chiều tối tại Huế đang gây ra nhiều tai họa, tính mạng bị rình rập bất cứ lúc nào...

Nỗi ám ảnh dông sét

Chị Nguyễn Thị P. (41 tuổi, trú xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang nhổ hành lá ngoài đồng vào đầu tháng 5 vừa qua thì trời bất chợt đổ mưa dông. Lúc này chị P. về nhà lấy áo mưa mặc vào rồi tiếp tục ra đồng làm vì không muốn bỏ dỡ công việc. Trớ trêu thay, sét đánh chị tử vong và đến chiều muộn mới được người thân phát hiện.

Hiện trường nơi chị P. bị sét đánh
Hiện trường nơi chị P. bị sét đánh

Sự ra đi đột ngột của chị P. để lại nỗi đau buồn, mất mát nặng đối với người chồng và 5 đứa con nhỏ. Chồng chị bị bệnh xương khớp nên bao năm qua, chị P. trở thành trụ cột gia đình. Chị ra đi để lại các con đang tuổi ăn tuổi học, gia đình giờ thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người mẹ, người vợ...

“Lúc đó tôi cũng đang nhổ hành gần bên, nghe một tiếng nổ kinh hoàng, vợ tôi văng ra xa, còn tôi thì bất tỉnh. Vợ ra đi khiến tôi tuyệt vọng...”- anh Ph. (chồng nạn nhân) đau xót nói.

Cũng thời điểm này năm ngoái, dông sét cũng hoành hành trên địa bàn thị xã Hương Trà khiến một phụ nữ ở xã Hương Toàn tử vong khi đi làm đồng và một bé trai 13 tuổi ở xã Bình Điền mất mạng lúc đang sạc pin điện thoại...

Tại địa bàn miền núi huyện A Lưới, giông sét trở thành nổi ám ảnh của nhiều ngôi làng. Chiều 19/5, em Ra Pát B. (25 tuổi, trú xã A Đớt) và em Lê Văn C. (23 tuổi, trú xã Hương Lâm, huyện A Lưới) đang chạy xe máy kéo theo sau xe bò thì gặp mưa dông. Cả hai không may bị sét đánh trúng, mặc dù được người dân phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, cả hai nạn nhân đều có hoàn cảnh thương tâm, đều có vợ con, gia đình rất nghèo khó và là những người trụ cột trong gia đình. Vợ Ra Pát B. đang mang thai con thứ hai. Chính quyền và nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm, hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân xấu số...

Gia đình tổ chức lo hậu sự cho các nạn nhân tại A Lưới
Gia đình tổ chức lo hậu sự cho các nạn nhân tại A Lưới

“Anh B. dự tính đang dành dụm vài triệu đồng để khi đón đứa con thứ hai chào đời, có tiền mua cho con lon sữa nhưng không ngờ ông trời đã lấy đi sinh mạng của anh rồi...”- vợ của Ra Pát B. vừa nói vừa khóc lịm.

Trong khi đó, xã Đông Sơn (huyện A Lưới) đươc nhiều người gọi là “làng trời đánh”. Chính quyền xã Đông Sơn cho rằng mảnh đất này chẳng có đặc sản gì hơn ngoài những vùng đất chết bị nhiễm dioxin và quanh năm người dân phải gánh chịu những trận cuồng phong, sấm sét làm cháy nhà, chết trâu bò. Nhiều gia đình tán gia bại sản vì sét đánh.

Vợ chồng gia đình anh Hồ Xuân Dí (thôn Ta Vai, xã Đông Sơn) chỉ có hai con trâu là tài sản to nhất, thế mà bị sét đánh chết cùng một lúc khiến gia đình anh trắng tay. “Vợ chồng, con cái mình phải đi xin bà con hàng xóm từng cái áo cũ để mặc vì sét đánh cháy sạch đồ đạc, đi vay tiền ngân hàng mua lại con bò để sản xuất mà kiếm ăn...”- anh Dí buồn bã.

Cần đề phòng...

Huế được xem là “ổ dông” của cả khu vực miền Trung. Dông sét xảy ra ở Huế thường tập trung từ giữa tháng 5 đến tháng 8. Theo cơ quan chức năng, qua các trường hợp bị sét đánh cho thấy, đa số nông dân chưa có cách phòng tránh thiên tai đúng cách.

Chính quyền huyện A Lưới hỗ trợ cho các nạn nhân
Chính quyền huyện A Lưới hỗ trợ cho các nạn nhân

“Bà con khi đi làm đồng thấy mây cuộn đen thì ngay lập tức tìm nơi trú ẩn, tránh xa các vật dụng lao động bằng sắt và tắt ngay điện thoại di động vì điện thoại di động hút tia sét, là nguyên nhân gây nhiều vụ chết người khi đi làm đồng...”- ông Nguyễn Xuân Chớ, Phó Chủ tịch UBND phường Hương An (thị xã Hương Trà) chia sẻ.

Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hàng ngày Văn phòng Ban chỉ huy luôn yêu cầu các địa phương sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, sét... đến với người dân trên địa bàn.

“Khi có hiện tượng dông sét cần rút dây, phích cắm các thiết bị điện. Đối với những người đi làm đồng, khi gặp dông sét không nên cố đi về nhà mà cầm tìm chỗ trú mưa an toàn gần nhất. Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên là có thể sắp bị sét đánh. Lúc đó, lập tức ngồi thụp xuống càng thấp càng tốt, tay bịt tai lại. Không nằm xuống đất mà nhón chân, hạn chế tiếp xúc với mặt đất ít nhất để điện tích truyền xuống qua cơ thể. Ngoài ra khi trời dông sét, mọi người không nên đứng tại những nơi rộng rãi, quang đãng vì ở chỗ đó cao- con người dễ thành mục tiêu bị sét đánh. Nếu buộc phải ở đó, cần tránh tiếp xúc đồ kim loại vì chúng dẫn điện tốt...”- ông Hùng nhận định.

Về cách sơ cứu người bị tai nạn dông sét, các chuyên gia cho hay khi người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng.Khẩn trương làm ngay hô hấp nhân tạo kết hợp hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cứ 5 lần xoa bóp tim ngoài lồng ngực thì hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt một lần. Làm liên tục như thế 60-90 phút...

Với những gì đang xảy ra, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi có dông sét để tránh những thiệt hại về người và tài sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Hiểm họa rình rập từ dông sét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO