Thừa Thiên Huế: Hàng loạt mỏ đá gây ô nhiễm môi trường

Văn Dinh| 25/10/2019 17:05

(TN&MT) - Nhiều mỏ đá ở địa bàn Thừa Thiên Huế trong quá trình thi công đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, mất an toàn lao động, thậm chí hết hạn vẫn còn khai thác...

Bên trong mỏ đá Sơn Thủy

Ô nhiễm mỏ đá Sơn Thủy

Tại huyện A Lưới, mỏ đá Sơn Thủy (xã Sơn Thủy) của Công ty TNHH MTV Thanh Bình An đang hoạt động khiến người dân địa phương bất bình khi liên tục gây ô nhiễm môi trường.

Mỏ đá này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép từ năm 2013 để khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Diện tích mỏ 3ha. Trữ lượng được phép khai thác hơn 1 triệu m3, với công suất khai thác 40.000m3/năm.

Ghi nhận của PV, mỏ nằm trên đồi cao, mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải chạy từ đường Hồ Chí Minh qua thị trấn A Lưới rồi rẽ vào khu mỏ để nhận đá, bụi bay tứ tung khiến nhiều nhà dân nằm dưới hứng chịu ô nhiễm. Việc khai thác đá không cắt tầng, công nhân không mang bảo hộ lao động, nguy cơ tai nạn lao động rất cao. 

Cũng theo người dân, hoạt động nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp thiếu báo hiệu để dân cảnh giác. “Từ khi mỏ đá xuất hiện đến nay, tiếng ồn và ô nhiễm cứ tra tấn chúng tôi. Khi nào trời nắng có gió lớn thì bụi bay nhiều hơn. Nhà cửa ai ai cũng đóng kín mịt, sức khỏe chúng tôi ngày càng suy giảm...”- anh A. T (xã Sơn Thủy) thổ lộ.

Mỏ đá Sơn Thủy nằm trên đồi cao, mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải rẽ vào nhận đá, bụi bay tứ tung...

Khi được làm việc với lãnh đạo mỏ đá này, PV được tiếp xúc với bà Ngô Thị Thanh Phượng - Giám đốc Công ty Thanh Bình An và người này lý giải rằng thường ngày công ty đều cử nhân viên tưới nước trong phạm vi khu vực mỏ để hạn chế bụi. Riêng hoạt động nổ mìn được thực hiện theo phương pháp nổ mìn ốp, trước khi nổ có báo hiệu còi 5 phút nhưng do người dân thường đi làm hoặc đang xem tivi nên không nghe còi báo hiệu? Trong khi đó Công ty đã trang bị bảo hộ cho công nhân, tùy theo vị trí công việc để trang bị loại bảo hộ cho phù hợp...

Ông Hồ Dũng -  Trưởng phòng TN&MT huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn có 3 mỏ đá đang hoạt động trong đó có mỏ Sơn Thủy. Những gì người dân phản ánh các mỏ gây ô nhiễm là đúng. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các sở ban ngành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch tại các mỏ đá. Qua kiểm tra, vấn đề đảm bảo môi trường và an toàn lao động tại nhiều mỏ đá vẫn chưa được các chủ mỏ chấp hành tốt, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì chỉ thực hiện đối phó...”- ông Dũng nói.

Qua tìm hiểu thì biết thêm, cách đây 2 năm thì mỏ đá này đã có nhiều sai phạm như chưa thực hiện việc kiểm tra xác định tọa độ tại thực địa cùng với Sở TN&MT, chính quyền địa phương; chưa thực hiện thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo mẫu quy định; chưa nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định... và đã bị Thanh tra Sở TN&MT phát hiện, buộc khắc phục.

Hết hạn mỏ vẫn tận thu gây ô nhiễm

Tại huyện miền núi Nam Đông, một mỏ đá dù đã hết phép khai thác, song thời gian qua doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác tận thu sản xuất đá gây ô nhiễm nặng. Đó là mỏ đá ở xã Hương Hữu. Mỏ được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép cho Công ty TNHH Thạch Phú Hưng vào năm 2008, thời hạn 3 năm để khai thác, tận thu đá tại mỏ, làm đá dân dụng. Dù vậy sau khi hết hạn một thời gian dài thì doanh nghiệp vẫn còn sản xuất...

Nhà máy sản xuất đá của Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đang bị đình chỉ sản xuất

Người dân cho hay, khoảng 3 năm qua, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác khiến việc cưa đá và thải ra lượng lớn bột đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. “Số bột đá được xử lý qua một hồ lắng, khi nắng vẫn gây bụi mù mịt, khi mưa thì bột đá tràn ra khu vực ruộng lúa gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhà tôi có 3 sào ruộng phải bỏ hoang. Còn suối A Rò và khe Dầu bị bồi lấp, khô cạn khiến nguồn nước sinh hoạt chính của hàng chục hộ dân trong thôn không có, chúng tôi phải đi quãng đường rất xa để lấy nước...”- bà Lê Thị Chín (thôn 4, xã Hương Hữu) chia sẻ.

Theo UBND xã Hương Hữu, kể từ khi nhà máy hoạt động đã gây nhiều hệ lụy cho dân. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng nhà máy vẫn lén lút sản xuất vào ban đêm khiến dân không ngủ được. Xe chở đá cũng đã làm hư hỏng đường vào khu sản xuất của người dân thôn 4.

“Xã đã đề nghị huyện cử Phòng TN&MT lên nắm tình hình để có hướng khắc phục kịp thời. Trước mắt nên có động thái để hỗ trợ cho dân; về lâu dài cần di dời nhà máy đi nơi khác...”- ông Huỳnh Minh Tròn, Chủ tịch UBND xã Hương Hữu nói.

Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ mỏ đá Hương Hữu. Mỏ đá này đã bị nhiều lần xử phạt về ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng cho rằng, Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đã hết hạn giấy phép từ lâu. Sau một thời gian tạm nghỉ, đến năm 2016 công ty này xin phép tiếp tục tận thu số đá đã khai thác. Năm 2016, Đoàn thanh tra huyện đã truy thu số tiền 711.849.000đ nộp ngân sách do có hành vi sai phạm kê khai không đúng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường năm 2015, giấu số thuế GTGT đầu ra năm 2015, hạch toán không đúng thuế TNDN.  Tháng 5/2019 vừa qua, huyện tiếp tục kiểm tra tại mỏ đá Hương Hữu và nhận thấy công ty mặc dầu có thực hiện việc xây dựng bể xử lý nước thải nhưng chưa đảm bảo theo quy định và đề nghị tạm đình chỉ...

“Việc công ty còn hoạt động do số nguyên liệu đá đã khai thác hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn chưa chế biến hết. Nếu được phép khai thác trở lại, yêu cầu công ty phải có tất cả những điều kiện đảm bảo, có bãi thải, có giấy phép xây dựng nhà xưởng, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân...”- ông Phụng trình bày.

Ngoài 2 mỏ đá trên, tại Thừa Thiên Huế hiện nay còn tồn tại nhiều mỏ đá gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân như mỏ đá Thượng Long (huyện Nam Đông) của Công ty Trường Thịnh, mỏ đá vôi ở huyện Phong Điền của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm...

Trao đổi thêm với PV, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra tình hình các mỏ đá trên địa bàn, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Hàng loạt mỏ đá gây ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO