Thừa Thiên Huế: Hạn hán kéo dài, sâu bệnh hại lúa

30/07/2019 17:47

(TN&MT) - Hàng nghìn hecta lúa vụ hè thu ở Thừa Thiên Huế đang bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh như khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ... do nắng nóng kéo dài. Ngoài ra, hạn hán cũng khiến nhiều diện tích lúa phải chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang.

Nhiều diện tích lúa tại Thừa Thiên Huế bị sâu bệnh tấn công
Nhiều diện tích lúa tại Thừa Thiên Huế bị sâu bệnh tấn công

Vụ hè thu năm 2019 này, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo cấy khoảng 25.817ha lúa (giảm 2.870ha so với vụ đông xuân). Hiện nay, cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, đã đứng cái, đẻ nhánh và một số diện tích đã trổ.

Do nắng nóng kéo dài cùng với khô hạn, tỉnh này hiện có hơn 2.100ha lúa vụ hè thu đã gieo cấy bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10-20%. Nhiều nơi lúa bị nhiễm bệnh nặng từ 40-60%. Điều này khiến người dân lo lắng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Bệnh khô vằn trên lúa bùng phát ở các địa phương như xã Sịa 2; Đông Phước, Đông Vinh (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền); khu vực An Đông, Tây An, Thống Nhất (TP. Huế); phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy); xã Phú Đa, Vinh Thái, Vinh Hà (huyện Phú Vang)...

Ngoài bệnh khô vằn, ở Thừa Thiên Huế còn đang bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh khác, gồm hơn 900ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; nhện gié gây hại trên 450ha lúa; bọ phấn gây hại hơn 50ha lúa... Bên cạnh sâu, rầy, còn xuất hiện chuột gây hại trên diện rộng với diện tích bị hại là hơn 600ha, tăng 476ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hại 5-10%, nơi cao hơn 20%, tập trung nhiều tại huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy.

Ruộng đồng đang khô hạn, nứt nẻ do nắng nóng kéo dài
Ruộng đồng đang khô hạn, nứt nẻ do nắng nóng kéo dài

Ông Nguyễn Văn Sinh (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) cho biết, các đây mấy tuần ông phát hiện 3 sào lúa bị bệnh khô vằn, lúa có nhiều nhành héo và các đốm nâu trên lá.

“Tôi đã phun thuốc 2 lần nhưng mỗi lần phun xong lại gặp mưa nên hiệu quả không cao. Cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng mà tình hình sâu bệnh lại diễn biến phức tạp như vậy thì lo sẽ bị mất mùa...”, ông Sinh nói.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế khuyến cáo, thời gian tới bệnh khô vằn gây hại gia tăng trên diện rộng. Bệnh lem lép hạt lúa sẽ phát sinh gây hại trên trà lúa trổ, rầy nâu, nhện gié tiếp tục gây hại gia tăng mật độ trên đồng ruộng. Do đó, bà con nông dân nên thường xuyên giữ nước trong ruộng giai đoạn lúa làm đòng đến trổ chín giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao; đồng thời kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các hiện tượng bất thường của cây lúa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, phun phòng bệnh lép hạt khi lúa trổ về thưa và sau khi lúa trổ xong sau phun lần 1 từ 5-7 ngày với các loại thuốc như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC,... để hạn chế bệnh phát tán lây lan trên diện rộng. Phun các loại thuốc có hoạt chất Nitenpyram, Pymetrozine, Dinotefuran,...để trừ rầy nâu, bọ phấn gây hại.

Các hồ đập taị Huế cũng đang cạn đáy
Các hồ đập tại Huế cũng đang cạn đáy

Cũng theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ sâu bệnh phát triển mà còn khiến gần 1.500ha lúa hè thu bị khô hạn, nặng nhất là ở các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khi từ tháng 2/2019 đến nay, lượng mưa trên địa bàn không đáng kể, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, dẫn đến có nhiều hồ, đập, công trình thủy lợi bị khô hạn, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Trước thực trạng nêu trên, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nạo vét, khơi thông các tuyến kênh mương...
Nạo vét, khơi thông các tuyến kênh mương...

Đối với các vùng không chủ động được nguồn nước, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại cho người dân. Diện tích bị thiệt hại vụ đông xuân 2018 - 2019, các địa phương lập các thủ tục để hỗ trợ cho người sản xuất. Các địa phương xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ sông, hói vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ.

Các địa phương đã chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông, hói vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ. Nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển. Tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2019 trước ngày 5/9/2019.

“Địa phương đã vận động chuyển đổi 127,8ha trồng lúa sang trồng rau màu, trồng sen, khoai lang và nuôi trồng thủy sản. Tiến hành nạo vét, vớt bèo khơi thông dòng chảy nhiều tuyến kênh mương nội đồng tạm thời đảm bảo nước vụ hè thu...”, ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Hạn hán kéo dài, sâu bệnh hại lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO