Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 8,36% năm 2016 còn 3,45% cuối năm 2020. Xét về quy mô số hộ nghèo giảm 53,94% là giảm hơm 1/2 số hộ nghèo tuyệt đối so với đầu kỳ. Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,98%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao là 0,87%/năm, Nghị quyết Tỉnh uỷ giao 0,9%/năm; đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nông thôn Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc |
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo góp phần ổn định đời sống của người dân. Những người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý… thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2016 - 2020, có 12/25 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn nông thôn mới (trong 27 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển có 2 xã sáp nhập còn 25 xã), chiếm tỷ lệ 48,0%; có; 6/14 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đầu tư Chương trình 135, chiếm 42,9%; không có xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (riêng chỉ tiêu này là chưa đạt mục tiêu đề ra là giảm từ 1-2 xã).
Phong trào chung tay vì người nghèo, trong đó nổi bật là sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc 57 cơ quan, đơn vị, trường học đã vận động, đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, góp phần vào việc thực hiện thành công chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã góp phần trong thực hiện phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo”, “ngày vì người nghèo”… đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, người nghèo khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh về nhà ở, vốn vay, trợ cấp xã hội và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.
Chính quyền cơ sở từ tỉnh, huyện, xã, thôn, bản rất sâu sát trong việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, đảm bảo việc thực hiện đúng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua việc hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động hỗ trợ thiên tai, cứu trợ… không có phản ánh sai sót về đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng chính sách.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện |
Giảm nghèo bằng các giải pháp cụ thể
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo… xem nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đặc biệt, bí thư, chủ tịch các địa phương tự tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giảm nghèo của mỗi địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, chỉ tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025. Việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo phải đi từ cơ sở để có cái nhìn khách quan từ địa phương, từ đó phân công trực tiếp cán bộ xã, phường hỗ trợ cho người dân trong công tác giảm nghèo.
“Các đơn vị phải sáng tạo hơn trong thực hiện các mô hình giảm nghèo; mỗi xã, phường phải xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từ đó nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy ỷ lại, từng bước thoát nghèo bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững |
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến các cấp, các ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội.
Các sở, ngành cần khẩn trương rà soát, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng vào chính sách hỗ trợ gắn với điều kiện, chính sách hỗ trợ tạo việc làm phải là việc làm có năng suất và thu nhập tốt, bảo đảm thoát nghèo bền vững. Các chính sách cần ưu tiên cho các nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo. Trước mắt, khẩn trương hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói… do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư và thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới phải gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực toàn xã hội và sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước trong công cuộc hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội trong bối cảnh mới, nhất là mô hình giảm thiểu tác động của lũ lụt, chống tái nghèo; mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại các xã nghèo vùng dân tộc thiểu số, xã biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng...