Môi trường

Thừa Thiên - Huế đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tiễn: Nhiều dấu ấn tích cực, hiệu quả

Văn Dinh (thực hiện) 07/06/2024 - 13:49

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 có tầm quan trọng trong việc BVMT và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức tốt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp qua đó đưa Luật đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

8a.jpg
Ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhiều dấu ấn tích cực, hiệu quả

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thi hành Luật BVMT 2020 như thế nào?

Ông Lê Bá Phúc: Luật BVMT 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, mang tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Nhằm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT theo quy định, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác thẩm định hồ sơ môi trường theo các quy định của Luật BVMT, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT và các văn bản liên quan về công tác BVMT cho các sở ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các phòng TN&MT, cán bộ địa chính môi trường cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua các buổi làm việc, thanh kiểm tra, Sở TN&MT đã lồng ghép hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các quy định của Luật BVMT, quan tâm, đầu tư các công trình giảm thiểu chất ô nhiễm.

Sở tiếp tục tham mưu thẩm định hồ sơ Đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường theo quy định cụ thể trong Luật BVMT. Đồng thời đôn đốc công tác lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường, quan tâm, sâu sát và đến nay đã nâng cao tỷ lệ của các cơ sở được cấp giấy phép môi trường. Duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác vệ sinh môi trường, nhất là thực hiện đúng các nội dung đầu tư các hạng mục xử lý chất thải như đã cam kết trong bản cam kết môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường được.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, "Xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng, xanh, sạch"; "Ngày Chủ nhật xanh" và phong trào "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Sở TN&MT cũng đã triển khai xây dựng Đề án tổng thể về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đến năm 2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các nguồn thải, các dự án thi công tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực nhạy cảm, các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm lớn.

8b.jpg
Người dân Thừa Thiên - Huế phân loại rác tại nguồn

PV: Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BVMT?

Ông Lê Bá Phúc: Bên cạnh những kết quả đạt được, Thừa Thiên - Huế đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật BVMT. Hiện một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng, đặc biệt các cụm công nghiệp hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tất cả đều không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có nhiều nỗ lực nhưng thực tế vẫn còn một số hạn chế, như việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa triển khai đồng bộ; còn tình trạng một số điểm tập kết rác là nơi phát sinh nguồn ô nhiễm; một số địa bàn xa, dân cư thưa thớt, nhất là khu vực miền núi chưa tiếp cận được dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Do các địa phương chưa đầu tư nguồn lực cho công tác BVMT ở nông thôn nên việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật còn mang tính lồng ghép nên có lúc thực hiện chưa thường xuyên và liên tục; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đầu tư, chú trọng tuy nhiên chưa thật sự sinh động, thiếu các hình thức tương tác trực tiếp với người dùng...

8c.jpg
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” góp phần bảo vệ môi trường đang lan tỏa rộng rãi ở Huế

Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức, địa phương tổ chức 12 lớp tuyên truyền, tập huấn với khoảng 1.100 người tham dự về các nội dung như Luật BVMT 2020, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phát sinh trung bình 675,68 tấn rác/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển xử lý đạt 96,7 %

PV: Để triển khai hiệu quả hơn về những quy định mới của Luật BVMT 2020, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện giải pháp gì?

Ông Lê Bá Phúc: Tỉnh và ngành TN&MT sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến rộng rãi các quan điểm, mục tiêu, giải pháp về công tác BVMT đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia BVMT; phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động BVMT; xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm. Tăng cường tham mưu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; không để việc xây dựng, vận hành, khai thác các dự án khi các doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường, tập trung vào hậu kiểm, đưa các hoạt động sản xuất có phát sinh nguồn thải vào khuôn khổ bằng phương pháp giám sát chặt đầu ra; các nguồn thải phải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường tiếp nhận. Triển khai kiểm kê, xây dựng kế hoạch giám sát, giám sát đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát đối với các nguồn thải quy mô lớn, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các cơ sở, các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Duy trì và nâng cao chỉ số chất lượng không khí AQI, chất lượng nước sông Hương và các sông chính trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án chuyển đổi số trong ngành tài nguyên và môi trường đặc biệt chú trọng trong lĩnh vực môi trường. Phối hợp với các đơn vị, địa phương đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng BVMT, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Tỉnh cũng đang giao UBND các huyện, thị xã, TP. Huế tổ chức triển khai đến từng hộ gia đình ký cam kết thực hiện phân loại rác tại nguồn, bắt buộc thực hiện từ ngày 1/1/2025.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tiễn: Nhiều dấu ấn tích cực, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO