Thừa Thiên Huế: Dự án nghỉ dưỡng ven biển “đắp chiếu”, dân gặp khó

Văn Dinh| 29/11/2019 12:37

(TN&MT) - Nhiều năm qua, Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Vinconstec -Huế (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) với mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng sau khi xây dựng xong bộ khung thì “đắp chiếu” dang dở. Hàng chục hộ dân khó xây nhà do nằm trong đất đã quy hoạch. Chủ đầu tư thì đang nợ tiền vật liệu, tiền công… của dân.

Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Vinconstec - Huế đã “đắp chiếu” suốt thời gian dài

Dự án “chết yểu”, dân khổ

Qua tìm hiểu của PV, dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam (Vinconstec) làm chủ đầu tư vào năm 2008, quy mô thực hiện trên diện tích rộng hơn 70ha. Trong đó khu resort có diện tích 25,97 ha, khu đô thị và dịch vụ thương mại có diện tích 36,1 ha, khu tái định cư có diện tích 10,01 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng 743 căn nhà thương mại có diện tích 150m2/căn, 91 căn nhà biệt thự ven biển, xây 53 căn nhà biệt thự ven phá Tam Giang và 4 tòa nhà là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, resort ven biển và khu tái định cư..., dự kiến hoàn thành vào năm 2011.

Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc nên đã có đơn trình Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 vào ngày tháng 6/2012. Nhưng sau khi xây xong phần khung, dự án “đắp chiếu” từ đó cho đến nay.

Có mặt tại khu vực triển khai dự án, PV nhận thấy các công trình, biệt thự nằm trơ trọi như những căn nhà hoang. Những móng trụ, cọc sắt hoen gỉ, xuống cấp. Nước mưa đọng lại bốc mùi, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, rác thải bừa bãi gây ô nhiễm. Một số ngư dân dùng nền nhà để làm nơi tập kết ngư cụ, ăn nhậu...

Khu vực triển khai dự án giờ thành nơi cho nhiều người tụ tập bỏ ngư cụ và ăn nhậu

Từ khi dự án triển khai xây dựng, nhiều người dân làm thợ nề, hút cát, buôn bán vật liệu xây dựng, nhà thầu nhỏ... ở các xã Phú Thuận, Phú Thượng, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) “đầu quân” để phục vụ dự án. Nhưng từ khi dự án ngưng hoạt động đến nay họ vẫn chưa được công ty này trả nợ. Cụ thể, chủ dự án vẫn còn nợ của gia đình anh Trần Văn Duế tiền thuê hút cát để san lấp mặt bằng 40 triệu đồng; nợ bà Hồ Thị Thu Thủy gần 50 triệu đồng tiền mua chịu vật liệu xây dựng. Đối với bà Dương Thị Vui cũng lâm vào cảnh tương tự khi dự án nợ hơn 55 triệu tiền cung cấp dịch vụ giàn giáo và thi công cốt pha.

Mặt khác, dự án còn làm cho cuộc sống của 64 hộ dân ở thôn Hòa Duân nằm trong diện giải tỏa gặp khó khăn trong việc sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống do diện tích đất nằm trong vùng thực hiện dự án, người dân chưa được đền bù, tái định cư.

“Chúng tôi thấy quá xót xa vì dự án đã bỏ hoang từ lâu, chúng tôi chưa nhận được thông báo của chính quyền về chủ trương tiếp theo của dự án nên gặp khó trong việc xây dựng nhà cửa. Mong chính quyền có thông báo chính thức cho người dân biết để có hướng ổn định cuộc sống”, anh T.- một hộ dân nằm trong dự án chia sẻ.

Đang thu hồi dự án

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay, hiên chủ đầu tư còn đang nợ tiền vật liệu, tiền công… của người dân đến nay vẫn chưa trả. Ngoài ra, các hộ dân nằm trong diện di dời hiện vẫn đang sinh sống trong khu vực dự án, chưa có hộ nào đến chính quyền địa phương xin phép xây dựng nhà ở hay công trình...

Xung quanh nhếch nhác, ô nhiễm. Hiện dự án đang trong giai đoạn xem xét thu hồi

“Với cam kết cũng như kế hoạch của nhà đầu tư thì trong năm 2017 sẽ triển khai lại một số hạng mục, nhưng đến thời điểm hiện tại nhà đầu tư vẫn chưa liên hệ gì với địa phương. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, các sở ban ngành liên quan tiếp tục làm việc với dự án để dự án được triển khai, đi vào hoạt động; tránh tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Còn nếu không thì chấm dứt hẳn dự án để mời các nhà đầu tư khác có tâm huyết hơn, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người dân”- ông Tùy nói.

Liên quan đến dự án trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, dự án đã thực hiện đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật ven phá, đường giao thông ven biển và triển khai 10 công trình biệt thự mẫu đang dang dở, chưa tô trát và hoàn thiện (2 công trình ven biển và 8 công trình ven phá); lập phương án giải phóng mặt bằng với diện tích 47,5 ha. Trong đó, mới tiến hành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 30,4 ha gồm khu vực ven biển và dừng công tác thi công từ đó đến nay.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư kiến nghị được điều chỉnh giảm quy mô dựa án từ 72,09 ha xuống 30,4 ha và đã được UBND tỉnh đã thống nhất tại công văn số 6932/UBND-XTĐT ngày 22/12/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, qua nhiều lần báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch tại Sở Xây dựng, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo vì lý do hồ sơ báo cáo các lần chỉ mang tính phác thảo, chưa có sự đầu tư nghiên cứu sâu về nội dung điều chỉnh, chất lượng không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chưa thực hiện phối hợp với đơn vị tư vấn có đủ năng lực tư vấn lập quy hoạch theo quy định.

“Hiện Sở đang phối hợp các ban ngành liên quan rà soát hồ sơ, nghiên cứu căn cứ pháp lý để tiến hành thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo quy định. Sau khi thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thủ tục kêu gọi đầu tư dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tránh trường hợp xảy ra tình trạng dự án treo như trước đây...”, ông Nguyễn Đại Vui- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Dự án nghỉ dưỡng ven biển “đắp chiếu”, dân gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO