Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội sau lũ

Văn Dinh| 07/12/2020 06:50

(TN&MT) - Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho rằng, đứng trước những khó khăn, thách thức mới, các đơn vị cần nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tạo sức bật mới để đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho biết, năm 2020, do đại dịch COVID - 19 và thiên tai liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 của tỉnh có 10/14 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 2,06%. Giá trị sản phẩm ngành du lịch, dịch vụ giảm 0,79%. Tổng lượt khách du lịch gần 2 triệu lượt, đạt 39,2% kế hoạch. Công nghiệp - xây dựng tăng 6,2%. Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 1,3%. Thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn tỉnh có 62/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 64%.

Trong năm nay Thừa Thiên Huế đã thu hút 25 dự án đầu tư mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.450 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch. Có gần 700 doanh nghiệp thành lập mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký hơn 10.200 tỷ đồng. Thu hút 25 dự án đầu tư mới và 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm 10.830 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,67%.

Các đơn vị đã tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình 69-CTr/TU của Tỉnh ủy (khóa XV) và các nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án trình các bộ, ngành Trung ương theo quy định. Chỉ đạo quyết liệt việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế cơ bản bảo đảm tiến độ.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Các chỉ số về cải cách hành chính đều tăng bậc. Chỉ số PAR Index xếp vị thứ 13 (tăng 3 bậc); Chỉ số ICT xếp vị thứ 2 (tăng 3 bậc), Chỉ số PCI xếp vị thứ 20 (tăng 10 bậc), chỉ số PAPI xếp vị thứ 5 (tăng 38 bậc). Các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cả 3 cấp tiếp tục hoạt động hiệu quả. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trang thông tin điện tử.

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản... là mục tiêu của Thừa Thiên Huế thời gian tới

Thực hiện 6 chương trình trọng điểm

Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó phấn đấu hoàn thành 13 chỉ tiêu chủ yếu. Thực hiện 6 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đó là Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh Thành Huế); Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn

Để tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình đề ra, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi kinh tế. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tạo sức bật mới để phát triển kinh tế - xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Vì vậy các cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là; tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời tập trung khắc phục hậu quả bão lụt và các hoạt động hỗ trợ cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo công tác tìm kiếm các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Chuẩn bị chu đáo các chế độ, chính sách cho Tết nguyên đán sắp tới gần.

Đứng trước những khó khăn, thách thức mới, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị cần nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tạo sức bật mới để đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO