Thừa Thiên – Huế: Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành công văn yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); đảm bảo việc phân loại CTRSH...
Theo đó, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và theo quy định của pháp luật về giá để có cơ sở triển khai khẩn trương sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phối hợp với các địa phương, đơn vị nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thống nhất về màu sắc, bao bì, túi đựng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, tổng hợp kết quả việc triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương cấp huyện.
Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện Quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tuân thủ QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng.
UBND các huyện, thị xã và TP. Huế rà soát công tác ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Bố trí các điểm tập kết chất thải sinh hoạt sau phân loại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định và đưa vào tiếp nhận trước ngày 31/12/2024, trong đó ưu tiên bố trí kết hợp điểm tiếp nhận, tập kết chất thải rắn cồng kềnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến từng hộ gia đình, người dân. Tăng cường, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát việc phân loại rác tại nguồn của hộ gia đình và công tác thu gom, vận chuyển của các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh từng bước đầu tư phương tiện phù hợp với việc tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn của các địa phương. Chủ đầu tư, cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tích cực chuẩn bị để triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT theo quy định của pháp luật về giá sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Được biết, việc áp dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.