“Mộ gió” bỗng xuất hiện
Qua tìm hiểu của PV, Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng 5.560 tỷ đồng dành cho các hạng mục đầu tư nhà ga hành khách và đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay...; dự kiến khởi công quý II, quý III năm 2019.
Theo quy hoạch, quỹ đất phục vụ dự án mở rộng Cảng HKQT Phú Bài thuộc địa bàn 3 phường, xã gồm Phú Bài, Thủy Tân, Thủy Phù. Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là 153,17 ha. Số tiền dự kiến chi trả đền bù giải phóng khoảng 100 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND thị xã Hương Thủy đầu năm 2019 cho hay, việc đo đạc bản đồ thu hồi đất và cắm mốc ranh giới tại thực địa đã hoàn thành với tổng diện tích 45,9ha và có 53 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, phường Phú Bài diện tích thu hồi khoảng 23,63 ha, bị ảnh hưởng 14 hộ dân; xã Thủy Tân khoảng 12,6 ha với 17 hộ dân bị ảnh hưởng; xã Thủy Phù khoảng 9,71 ha, có 4 tổ chức và 22 hộ dân bị ảnh hưởng, khoảng 1.820 lăng, mộ (1.681 mộ đã xác định được thân nhân).
Hiện tại, chính quyền địa phương đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát công tác đền bù giải phóng mặt bằng, qua đó để đẩy nhanh tiến độ kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối tháng 3/2019.
Khi biết được dự án lớn này, người dân địa phương đã dựng nên hàng chục ngôi “mộ gió”, bất chấp nhiều biển báo “Cấm sửa chữa, xây dựng lăng mộ, chôn cất mồ mả, tạo mộ giả”... được cơ quan chức năng dựng nên.
Bà Ngô Thị Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết, trong quá trình kiểm tra cắm mốc, đo đạc hiện trường để bàn giao mặt bằng cho Dự án mở rộng sân bay Quốc tế Phú Bài, chính quyền địa phương đã phát hiện hàng chục ngôi mộ đất “mọc” lên bất thường tại thôn 1A của xã.
Theo quan sát, các ngôi mộ này không chỉ được đắp đất mà còn được xây líp bằng bờ- lô xung quanh. Các ngôi mộ nằm trong khu vực nương rẫy, trang trại của người dân.
“Trước đó, khoảng gần 2 tháng, khi đoàn kiểm tra đi thực địa thì không thấy nhưng mới đây, trở lại kiểm đếm thì nhiều ngôi mộ đất xuất hiện dày đặc. Là người ở trong xã, trong một thời gian ngắn không thể có số người chết nhiều như vậy, nên tôi đặt nghi vấn. Lúc đầu, chính quyền vận động người dân nếu không phải là mộ thật thì nên san bằng trả lại hiện trạng như ban đầu. Nhưng nhiều hộ vẫn kiên quyết, cho rằng là mộ thật của dòng họ. Nhiều trường hợp sau đó đã được chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng vận động, thuyết phục, tuyên truyền. Qua đó, các hộ dân cố tình dựng mộ giả nhận ra rằng, việc làm này là vi phạm pháp luật nên họ phối hợp với địa phương tháo dỡ, san bằng số mộ giả…”- bà Ngọc nói.
Cũng theo bà Ngọc, qua tìm hiểu, bước đầu xác định, có hàng chục ngôi mộ giả được một số người đang sinh sống ở địa bàn dựng lên. Trong đó, có người lập mộ giả lên đến 24 cái.
Mục đích chờ đền bù
Liên quan đến sự việc, Đại tá Võ Thành Kỳ - Trưởng Công an thị xã Hương Thủy cho biết, việc một số người dân dựng mộ giả là nhằm mục đích chờ đền bù, “ăn theo” dự án.
Theo Đại tá Kỳ, mới đây bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an thị xã Hương Thủy phát hiện tại khu vực nương rẫy của hộ ông T.Q.T. có 19 ngôi mộ thì trong đó chỉ có 7 mộ thật là của dòng họ này lâu nay; còn lại 12 cái là mộ giả. Bà N.T.H.L. (xã Thủy Phù) thừa nhận trong 18 ngôi mộ trong khu vực nương rẫy của gia đình bà thì chỉ có 5 ngôi mộ là thật; còn lại 13 mộ giả…
“Hiện lực lượng chức năng đã yêu cầu người dân ở xã Thủy Phù tháo dỡ 31 ngôi mộ giả; còn hàng chục ngôi mộ đất chưa xác định được chủ và cũng chưa biết là thật hay giả. Qua làm việc, các trường hợp khai nhận, vì thấy chính quyền địa phương đang đi kiểm kê, đền bù nên họ cố tình lập mộ giả để nhận được tiền đền bù nhiều hơn…”- Đại tá Kỳ cho hay.
Cũng theo tìm hiểu của PV, tình trạng lập mộ giả để chờ được đền bù không chỉ xảy ra tại các trang trại, nương rẫy của xã Thủy Phù mà còn ở xã Thủy Tân. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện có 41 ngôi mộ giả được dựng lên ở 2 khu vực của thôn Tô Đà 1 và Tân Tô.
“Đến nay, 41 mộ giả này đã được cơ quan công an yêu cầu các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, san bằng. Không chỉ dựng lên mộ giả để chờ đền bù mà người dân Thủy Tân còn xây mới nhà cửa, quán sá trong khu vực triển khai dự án nhằm mục đích nâng cao giá trị đền bù. Tất cả những việc làm này đều đã được cơ quan chức năng kịp thời yêu cầu dừng lại…”- Đại tá Kỳ thông tin thêm.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Đắc Tập - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: “Thực ra những vụ này được phát hiện rất sớm, quan điểm của chúng tôi là xử lý cương quyết nên không có tình trạng mộ giả được nhận tiền. Hiện cơ quan chức năng đã chi trả xong cho 2 xã Thủy Tân, Thủy Phù và chuẩn bị trả cho phường Phú Bài. Hầu hết dân đều đồng tình nhận tiền, chưa có ý kiến gì. Trong khi đó, để đảm bảo hoàn thành tiến độ và thời gian đã cận kề, thị xã đã có phương án di dời trước khoảng 2.000 lăng, mộ trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án đến Nghĩa trang Nhân dân phía Nam mới, thuộc địa phận xã Phú Sơn…”.
Được biết vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với địa phương, các sở, ngành liên quan về tình hình giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Cảng HKQT Phú Bài.
“Đây là một dự án lớn, trọng điểm của tỉnh trong năm 2019, quan điểm của tỉnh là không giãn tiến độ và lùi thời gian giải phóng mặt bằng dự án. UBND thị xã Hương Thủy phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để triển khai, thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra, phải sớm bàn giao mặt bằng để kịp thi công theo cam kết của tỉnh với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam…”- ông Thọ lưu ý.