Thừa Thiên - Huế: Đa dạng giải pháp bảo vệ môi trường

Văn Dinh (thực hiện)| 03/08/2021 10:22

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã có những chuyển biến tích cực. Để hiểu rõ hơn thực trạng môi trường tại địa phương, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

PV: Xin ông cho biết, thực trạng môi trường của tỉnh ta hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Hiện nay, môi trường đất, nước, không khí ở tỉnh nhìn chung khá tốt. Về chất lượng nguồn nước mặt ở thượng nguồn lưu vực sông Hương tốt hơn so với giai đoạn trước, đã có sự cải thiện tại một số khu vực do việc thực hiện các dự án đầu tư cải thiện môi trường, đầu tư nâng cấp, cải thiện cảnh quan môi trường một số sông hồ, đầm phá.

Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông Hương những năm gần đây được khắc phục. Chất lượng nước biển ven bờ của tỉnh khá tốt với hầu hết giá trị đo đạc các thông số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn. Một số khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề, chất lượng môi trường có giảm nhưng các giá trị quan trắc vẫn trong giới hạn cho phép. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn và vùng đầm phá ngày càng tăng lên; mức độ che phủ rừng ngày càng tăng, thuộc nhóm đầu của các địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường cục bộ gần đây có chiều hướng tăng; đó là vấn đề rác thải khu vực nông thôn, nước thải chưa qua xử lý ở các làng nghề, cụm công nghiệp và đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; nuôi tôm công nghiệp...); vấn đề môi trường của các cơ sở nằm trong khu dân cư do quy hoạch đô thị hóa phát triển nhanh chóng; đa dạng sinh học có chiều hướng suy giảm; bên cạnh đó công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Tất các những vấn đề trên đã gây tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống của nhân dân, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của địa phương.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” lan tỏa tại Thừa Thiên - Huế

PV: Những kết quả đạt được trong công tác BVMT của Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua là gì?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Đầu tiên phải kể đến Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” được tỉnh phát động từ cuối tháng 1/2019, với nhiều nội dung ý nghĩa như tổ chức ra quân vệ sinh môi trường mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần; vận động nhân dân thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ, phân loại rác tại nguồn; tổ chức ký cam kết BVMT; vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thường xuyên các mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”; “Dòng Hương trong xanh”; “Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an”... Cụm từ “Ngày Chủ nhật xanh” giờ đây đã lan tỏa khắp Thừa Thiên - Huế, từng bước phát huy và đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen.

Công tác kiểm soát ô nhiễm, giám sát tình hình thực hiện BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn được tiến hành. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật BVMT, qua đó hướng dẫn tuyên truyền cho các cơ sở thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về môi trường, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị xử lý theo đúng quy định.

Hàng năm tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 với nhiều hoạt động như xe truyền thông lưu động, tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng hoạt động thả cá, tôm giống tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai. Trong khi đó, công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Hiện, đã có 8 cơ sở được công nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm...

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã dần đi vào nếp sống hàng ngày

PV: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những kế hoạch/giải pháp nào để giảm ô nhiễm môi trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Trước tiên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác BVMT; tập trung cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu môi trường, trong đó hoàn thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về BVMT để tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ TN&MT.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường tuyên tuyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn những quy định mới của pháp luật về công tác BVMT. Đẩy mạnh phong trào toàn dân BVMT thông qua các phong trào đã phát huy hiệu quả.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi trường gồm hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tại các đô thị, xử lý nước thải cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hỗ trợ kinh phí để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu công tác BVMT chung. Kiến nghị bổ sung đủ biên chế cán bộ làm công tác BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT cho các địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động BVMT, xây dựng những điển hình tiên tiến và nhân rộng thành phong trào toàn dân BVMT...

Các hoạt động BVMT đã, đang và sẽ thực hiện góp phần không nhỏ để đô thị hạt nhân của tỉnh Thừa Thiên - Huế là TP. Huế được công nhận là Thành phố môi trường ASEAN, Thành phố xanh, Thành phố vì hòa bình. Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tỉnh Thừa Thiên - Huế được đánh giá là địa phương có môi trường sống trong lành, người dân sống thân thiện và hòa quyện với thiên nhiên, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm trở thành “Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Đa dạng giải pháp bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO