Thừa Thiên Huế: Chủ động đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn

04/06/2019 14:52

(TN&MT) - Tình hình sản xuất vụ hè thu 2019 tại Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, xâm nhập mặn thời gian qua. Khoảng 2.580ha không thể chủ động được nguồn nước...

Người nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc gieo cấy vụ Hè Thu
Người nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc gieo cấy vụ Hè Thu

Sản xuất khó khăn, thiếu nước

Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên mùa khô năm nay nắng nóng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế rất ít mưa, nhiệt độ ở mức cao có lúc trên 45 độ.

Theo ghi nhận, tại hói 5 xã, 7 xã (thị xã Hương Trà) đều bị bồi lấp. Trong đó, tuyến hói 5 xã bị bồi lắng và sạt lở cần sớm được nạo vét gần 4.870 m; tuyến 7 xã gần 8.846m.

Còn tại huyện Quảng Điền, tình hình sản xuất vụ hè thu khá khó khăn. Vào đầu vụ, nguồn nước ở sông Ô Lâu bị kiệt, phải tổ chức nạo vét hói Bến Trâu để dẫn về cho trạm bơm Tây Hưng 2 tưới cho 192ha. Nhiều diện tích chưa có nước tưới nên chưa thể sản xuất; dự kiến sẽ có thêm có 65 ha tại Quảng Lợi phải bỏ hoang so với vụ hè thu trước. Ngoài ra, nắng nóng còn khiến 85 ha lúa mới gieo (Quảng An 70 ha, Quảng Phước 15 ha) chết phải gieo sạ lại.

Ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, địa phương đã vận động chuyển đổi 127,8ha trồng lúa sang trồng rau màu, trồng sen, khoai lang và nuôi trồng thủy sản. Tiến hành nạo vét, vớt bèo khơi thông dòng chảy nhiều tuyến kênh mương nội đồng tạm thời đảm bảo nước đầu vụ hè thu.

Vụ hè thu năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo cấy khoảng 25.817ha lúa (giảm 2.870ha so với vụ đông xuân), diện tích đã gieo sạ đến nay khoảng hơn 18.000ha; diện tích hoa màu theo kế hoạch 1.982ha, ngô 736ha; đậu các loại 902ha.

Qua theo dõi tình hình nguồn nước trên các sông, hói đều thấp hơn TBNN như hói 5 xã, 7 xã,; hói Nịu, hói Bến Trâu (xã Quảng Thái);  hói mới Điền Hòa, hói Hà, hói Nậy (huyện Phong Điền) và các tuyến hói nội đồng, các hói liên thôn....

Khơi thông các tuyến kênh mương
Khơi thông các tuyến kênh mương

Ngoài ra, do thượng nguồn sông Ô Lâu không có mưa, mực nước tại đập ngăn mặn Cửa Lác chỉ còn âm 0,20m, mực nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước từ 0,4 ÷ 0,6m, ảnh hưởng đến cấp nước nông nghiệp cho 3.700 ha tại Quảng Điền, Phong Điền. Mực nước xuống thấp, các sông hói nội đồng dẫn nước ở thượng lưu đập Cửa Lác cạn kiệt, tắc nguồn, một số trạm bơm đã ngừng hoạt động; 2.870ha không chủ động được nguồn nước phải chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang tránh thiệt hại.

Theo dự báo trong tháng 6,7,8 năm 2019 xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, nhiệt độ có thể trên 40 độ C cao hơn TBNN, độ ẩm thấp dưới 50%. Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm 2019 tại Thừa Thiên Huế có khả năng thiếu nước khoảng 2.580 ha.

Hiện dung tích các hồ thủy điện, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt từ 50- 70% dung tích thiết kế. Trong đó, dung tích hữu ích trên các hồ chứa lớn vẫn ở mức thấp, hồ Tả Trạch dung tích hữu ích 70,7%; thủy điện Hương Điền 23,3%; thủy điện Bình Điền 58,5%; thủy điện A Lưới dung tích hữu ích chỉ đạt 8,1%.

Chủ động đối phó hạn hán, xâm nhập mặn

Trước thực trạng nêu trên, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đối với các vùng không chủ động được nguồn nước, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại cho người dân. Diện tích bị thiệt hại vụ đông xuân 2018 - 2019, các địa phương lập các thủ tục để hỗ trợ cho người sản xuất. Các địa phương xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ sông, hói vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ.

Các địa phương đã chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông, hói vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ. Nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển. Tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2019 trước ngày 5/9/2019.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn để chống hạn cho vụ Hè Thu
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn để chống hạn cho vụ Hè Thu

“Để rút ngắn thời gian tưới nhằm tiết kiệm nước, huyện đã vận động các địa phương chỉ  thực hiện gieo cấy các loại giống lúa ngắn, cực ngắn ngày và các giống chịu hạn như: KH1, ML48, TH5... Đồng thời vận động các địa phương thực hiện chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang chia sẻ.

Để chủ động đối phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Tổng cục Thủy lợi báo cáo Bộ NN&PTNT, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư một số công trình thủy lợi trọng điểm. Trước mắt, hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước với kinh phí khoảng 72,0 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí nạo vét sông hói, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước; vớt bèo khơi thông dòng chảy; đắp đập tạm, bờ bao 40 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ bơm điện, dầu vượt định mức, lắp đặt bơm chuyền 8,0 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương sửa chữa các kênh mương, thiết bị... để chủ động trong việc lấy nước 16 tỷ đồng.

“Đối với các diện tích hoa màu bị hạn nhưng có thể cứu được thì chính quyền địa phương phải sử dụng toàn bộ lực lượng, nỗ lực hết mình để cứu các diện tích hoa màu bị khô hạn, tuyệt đối không để có lỗi với người dân...”- ông Phương nhấn mạnh.

Được biết, cuối tháng 5 vừa qua, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi do ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế tình hình chống hạn tại Thừa Thiên Huế. Đoàn đánh giá cao những nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công tác chống hạn. Nhất là công tác chủ động nạo vét các tuyến kênh, hói, vớt bèo tây dọc các con sông, lắp đặt các trạm bơm giả chiến.

“Trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cực kỳ quan trọng vì thế địa phương cần chủ động nguồn kinh phí tại chỗ khắc phục tạm những điểm bị bồi lấp, gia cố kênh mương nội đồng. Dựa trên những đề xuất của tỉnh, Cục sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí cho Thừa Thiên Huế chống hạn. Đồng thời, sớm đưa vào khắc phục những công trình lớn như đập Cửa Lác, Thảo Long...”- ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Chủ động đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO