Thừa Thiên Huế: Bức xúc vì cơ sở giết mổ gây ô nhiễm

10/04/2017 00:00

(TN&MT) - Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Thạch Căn (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn 6 năm nay, khiến hàng chục hộ dân sống tại đây rất bức xúc…

Cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tại thôn Thạch Căn, xã Phú Dương đang gây ô nhiễm nghiêm trọng
Cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tại thôn Thạch Căn, xã Phú Dương đang gây ô nhiễm nghiêm trọng

Hơn 6 năm nay, kể từ khi cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gần chân cầu Mậu Tài, thôn Thạch Căn, xã Phú Dương đi vào hoạt động, cuộc sống của các hộ dân sinh sống xung quanh chịu nhiều ảnh hưởng bởi mùi hôi thối của nước thải và xác nội tạng từ cơ sở xả ra. Tuy người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục và di dời nhưng cơ sở giết mổ cách nhà dân chưa đầy 100m vẫn tồn tại.

Nhà anh Võ Đức Nhân, sinh sống gần cơ sở giết mổ chưa đầy 100m nên thường xuyên hứng trọn mùi hôi thối và tiếng ồn từ cơ sở này. Để hạn chế điều này, gia đình anh Nhân thường xuyên đóng kín các cửa. “Từ khi cơ sở giết mổ này tồn tại đến nay hơn 6 năm nay, mọi sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo ngược. Hễ mở cửa là mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, khó chịu vô cùng. Vào lúc trời nắng to, gió thổi về thì mùi thối còn nồng nặc hơn. Cứ rạng sáng là người ta bắt đầu giết mổ gia súc, tiếng heo kêu ồn lắm, rất khó ngủ. Thương nhất mà mấy đứa con, sáng đi học cứ gà gật vì thiếu ngủ”- anh Nhân bức xúc nói.

Phía sau cơ sở này là dòng sông Phổ Lợi, nơi cung cấp nước cho hàng trăm hecta hoa màu
Phía sau cơ sở này là dòng sông Phổ Lợi, nơi cung cấp nước cho hàng trăm hecta hoa màu

Tương tự, nhà bà Trần Thị Sáu cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ cơ sở giết mổ. “Mỗi khi vào mùa khô là ruồi nhiều lắm. Trong nhà lúc nào cũng phải có sẵn keo dán, vỉ đập ruồi. Khốn khổ nhất là lúc ăn cơm, hễ dọn cơm ra là ruồi kéo đến bu kín. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có giải pháp di dời lò mổ hoặc có phương án đền bù để chúng tôi chuyển đi nơi khác chứ ở đây ô nhiễm quá”- bà Tựa mong muốn.

Ngoài ra, bà Tựa cho biết thêm, từ ngày cơ sở giết mổ được quy hoạch về đây, ban đầu số lượng gia súc tập kết giết mổ ít, nên mức độ ô nhiễm môi trường còn nhẹ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, số lượng gia súc, gia cầm bị giết mổ mỗi ngày tăng lên đột biến, nhất là vào đợt trước Tết Nguyên đán vừa rồi, khiến môi trường bị ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Hơn nữa, các phương tiện chở gia súc gia cầm có trọng tải lớn qua lại nhiều khiến đường bị hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, gây huy hiểm cho người đi đường nhất là vào ban đêm.

Xác nội tạng cùng nước thải được xả trực tiếp xuống dòng sông Phổ Lợi khiến cho dòng sông này ô chuyển thành màu đen
Xác nội tạng cùng nước thải được xả trực tiếp xuống dòng sông Phổ Lợi khiến cho dòng sông này ô chuyển thành màu đen

Theo nhiều người dân nơi đây, sau khi giết mổ xong, xác nội tạng gia súc và gia cầm cùng nước thải được cơ sở này xả trực tiếp xuống dòng sông Phổ Lợi. Ngoài ra, phía sau cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này có một ống dẫn nước thải được đấu nối trực tiếp xuống dòng sông để xả thải chất ô nhiễm. Khiến nước của con sông này chuyển thành màu đen. “Trước đây khi chưa có cơ sở này, con sông rất trong xanh và tôm cá trù phú, người dân trong vùng thường xuyên ra đây sinh hoạt. Thế nhưng, sau khi cơ sở này tồn tại, con sông đã bắt đầu chuyển thành màu đen kịt, cá tôm cũng chẳng còn nhiếu như trước đây nữa”- anh Nhân cho biết.

Người dân cho biết thêm, dòng sông Phổ Lợi là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hecta hoa màu cho xã Phú Dương cũng như một số xã lân cận. Nếu tình hình cứ xả thải nước bẩn liên tục ra dòng sông này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất mùa vụ cũng như chất lượng sản phẩm bà con. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, song hầu như không thấy xoay chuyển gì, điều này khiến tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra ngày một trầm trọng hơn.

Phía sau cơ sở giết mổ này có một ống dẫn nước thải được đấu nối trực tiếp xuống dòng sông
Phía sau cơ sở giết mổ này có một ống dẫn nước thải được đấu nối trực tiếp xuống dòng sông

Được biết, theo quy định về điều kiện vệ sinh thú y với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải quy hoạch cách biệt với khu dân cư, xa các trang trại chăn nuôi và các nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại, đường quốc lộ). Thế nhưng, qua quan sát, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn Thạch Căn, xã Phú Dương được xây dựng bên cạnh điểm tập kết rác, và cách khu dân cư thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu chừng vài chục mét. Do đó, tình trạng xả thải chưa qua xử lý từ cơ sở trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Bà Lê Thị Thu Hằng- Chủ tịch UBND xã Phú Dương cho biết, về vấn đề trại giết mổ gia súc, gia cầm mà người dân phản ánh gây ô nhiễm là có thật, trại giết mổ này do ông Nguyễn Đăng Đại làm chủ. “Trước đây, cơ sở này mỗi ngày giết mổ từ 10 đến 15 con heo, nhưng từ khi 2 lò giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn TP. Huế đóng cửa, cơ sở giết mổ này mỗi ngày nhận thêm hơn 10 con bò về giết, nước thải và nội tạng của bò được thải trực tiếp ra bên ngoài, điều này đã khiến cho môi trường nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng”- bà Hằng thông tin.

Cách điểm tập kết rác không xa là cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Cách điểm tập kết rác không xa là cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Bà Hằng cho biết thêm, UBND xã thường xuyên tăng cường cho người về giám sát, kiểm tra nơi này. Tuy nhiên vì cơ sở này chủ yếu hoạt động về đêm nên việc giám sát này còn gặp nhiều khó khăn.

Bài & ảnh:Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Bức xúc vì cơ sở giết mổ gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO